Nông nghiệp sạch

Quảng Nam bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm nông lâm thủy sản

Thứ ba, 26/3/2024 | 15:22 GMT+7
Ngày 26/3, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch số 2086/KH-UBND về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024 trên địa bàn.

Kế hoạch nhằm triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh ủy Quảng Nam về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông lâm thủy sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng thống nhất quan điểm chỉ đạo bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp các chương trình, kế hoạch, đề án về chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản để triển khai thực hiện hàng năm.

Kế hoạch đặt ra chỉ tiêu về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản là: tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đạt 99%; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đạt 88%; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10% so với năm 2023.

Phấn đấu có từ 7 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản trở lên được chứng nhận HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương; tỷ lệ gia súc, gia cầm giết mổ có kiểm soát của nhân viên thú y đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 3279/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam. Diện tích trồng trọt, nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, VietGAHP và tương đương) tăng 10% so với năm 2023. Tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tăng 20% so với năm 2023; duy trì các chuỗi đã triển khai thực hiện và xây dựng mới ít nhất từ 2 chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trở lên.

Ảnh minh họa

Về chất lượng, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nông nghiệp hữu cơ, tỉnh phấn đấu trong năm 2024 có ít nhất 70% số sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; phấn đấu tăng diện tích được cấp mã số vùng trồng lên 5% so với năm 2023. Mỗi địa phương đầu tư phát triển ít nhất từ 1 - 2 mô hình sản xuất tập trung, tổng diện tích từ 5 - 7ha (quy mô diện tích từng mô hình tuỳ thuộc vào từng loại cây trồng), ứng dụng công nghệ tiên tiến, chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã số vùng trồng theo Kế hoạch số 7059/KH-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam. Hoàn thiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ để triển khai thực hiện trong thời gian tới; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số loại cây trồng chủ lực của tỉnh.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các ban, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch, đề án, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh ủy.

Kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản thống nhất một đầu mối theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thành lập tổ giám sát an toàn thực phẩm tại cơ sở có sự tham gia của đại diện Ban nhân dân thôn/khối phố, Ban công tác mặt trân, Chi hội nông dân, Chi hội phụ nữ. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường. Phối hợp với các viện, trường, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và các tổ chức nghiên cứu khoa học khác cập nhật, tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (như sử dụng giống chất lượng cao; phân, thức ăn chăn nuôi, chất xử lý môi trường, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ…) trong sản xuất nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác sản xuất nông sản chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường...

Lâm Bảo