Văn hóa, du lịch

Sắp diễn ra Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam

Thứ ba, 31/5/2022 | 12:02 GMT+7
Từ ngày 3 - 12/6, Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 12 sẽ được tổ chức với sự tham gia của 10 quốc gia châu Âu và chủ nhà Việt Nam.

Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam do Hãng Phim tài liệu và khoa học Trung ương, Hiệp hội các Viện Văn hóa và các đại sứ quán châu Âu (EUNIC) phối hợp tổ chức thường niên. Sự kiện nhằm tăng cường hợp tác, giao lưu văn hóa giữa các nước thành viên châu Âu và Việt Nam, đồng thời để công chúng Việt Nam có dịp tìm hiểu đất nước, con người, văn hóa của các quốc gia thông qua điện ảnh.

Cụ thể, đây là hoạt động giao lưu văn hóa đặc sắc, giúp cho khán giả trong và ngoài nước tiếp cận với các bộ phim tài liệu của Việt Nam và châu Âu; những người làm nghề được giao lưu với tác giả phim tài liệu nước ngoài để tìm hiểu những xu hướng làm phim đương đại, từ đó dần hội nhập quốc tế.

Ban tổ chức Liên hoan phim cho biết, sự kiện năm nay quy tụ 10 quốc gia châu Âu gồm: Áo, Bỉ (Wallonia-Brussels), Pháp, Italia, Đức, Israel, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Cộng hòa Séc, Anh và chủ nhà Việt Nam.

Trong 10 ngày diễn ra sự kiện, khán giả sẽ được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh tài liệu của Việt Nam và các quốc gia tham gia, trong đó có nhiều bộ phim đã giành được các giải thưởng danh giá. Chủ đề của các bộ phim rất đa dạng như: biến đổi khí hậu, thay đổi cá nhân để phù hợp với sự phát triển của xã hội, phân biệt chủng tộc, nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng…

Nhiều phim tài liệu đặc sắc, nổi tiếng trong nước và quốc tế sẽ được trình chiếu tại Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam

Về phía Việt Nam, ban tổ chức sẽ trình chiếu bộ phim “Những vùng đất hồi sinh” của đạo diễn Đỗ Huyền Trang. Bộ phim là hành trình khắc phục hậu quả da cam của cuộc chiến tranh hóa học do đế quốc Mỹ thực hiện ở miền Nam Việt Nam trong những năm 1961 - 1971. Việc xử lý những khu vực bị nhiễm chất độc hóa học dioxin luôn là nhiệm vụ cấp bách được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặt lên hàng đầu và cần sự chung tay góp sức, nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng xã hội cũng như các tổ chức quốc tế.

Phim “Mẫu Liễu Hạnh” của đạo diễn Trần Phương Thủy, Trịnh Quang Tùng nói về Mẫu Liễu Hạnh và  ý nghĩa về đạo Mẫu của người Việt. Phim “Chuyện cổ tích ở bản Rào Tre” của đạo diễn Nguyễn Văn Kiểm kể về hành trình đưa dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, tỉnh Hà Tĩnh từ tình trạng bên bờ tuyệt chủng hòa nhập với thế giới bên ngoài. Phim “Những người kể chuyện ở phố cổ Hà Nội”, đạo diễn Hoàng Dũng giúp người xem khám phá một Hà Nội ngày càng hiện đại, văn minh hơn nhưng vẫn lưu giữ được những giá trị truyền thống, những nét văn hóa đã trở thành trầm tích của Thủ đô.

Phim “Đình làng Bắc Bộ” của đạo diễn Đào Đức Thanh lại mang đến Liên hoan phim một trong những biểu tượng của làng quê Việt, đó là đình làng - sợi dây gắn bó tạo mối quan hệ khăng khít trong cộng đồng làng xã, nơi nghệ thuật dân gian thăng hoa và tỏa sáng, những ước vọng bình yên của người dân được gửi gắm qua từng nét chạm khắc.

Phim “Hai bàn tay” của đạo diễn Đặng Thị Linh kể về cuộc đời và sự nghiệp của danh họa Nguyễn Sáng, một trong những cây đại thụ của mỹ thuật Việt Nam. Bộ phim “Cuộc chiến không giới hạn” của đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Ánh Ngọc lại đầy ắp tính thời sự khi khai thác về cuộc chiến chống đại dịch Covid-19…

Trong Liên hoan phim lần này, khán giả còn được thưởng thức những tác phẩm của nhiều nền điện ảnh nổi tiếng thế giới như: “Trong từng phút giây” (Pháp), “Vương quốc bất định” (Anh), “Helmut Lachenmann - Con đường của tôi” (Đức), “Cậu bé Samedi” (Bỉ), “Chuyển hướng mới” (Cộng hòa Séc), “Hãy cứu xóm làng” (Áo), “Omega” (Tây Ban Nha), “Phân tử” (Italia), “Mục tiêu chung” (Israel), “Công dân Nobel” (Thụy Sĩ)…

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Hãng Phim tài liệu và khoa học Trung ương, Liên hoan phim lần này diễn ra trong bối cảnh toàn thế giới vừa phải đối diện với đại dịch Covid-19. Điều này càng khẳng định những nỗ lực của ban tổ chức nhằm đem đến khán giả Việt Nam những phim tài liệu hấp dẫn của Việt Nam và các quốc gia châu Âu. Những bộ phim tham dự đều có giá trị nội dung và nghệ thuật cao, mang đậm nét văn hóa của mỗi quốc gia, dấu ấn của từng đạo diễn.

Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, Chủ tịch EUNIC - Việt Nam Wilfried Eckstein nhận định, ưu thế lớn nhất của phim tài liệu là nền tảng nghiên cứu và tinh thần báo chí. Chúng quan sát các chuyển biến xã hội và ý nghĩa của những thay đổi ấy đối với cá nhân.

Các phim sẽ được chiếu miễn phí từ ngày 3 - 12/6 tại Hãng Phim tài liệu và khoa học Trung ương, 465 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội.

Gia Linh (T/H)