Nông nghiệp sạch

Phát huy tiềm năng, lợi thế sản xuất cây trồng vụ Đông

Thứ sáu, 26/8/2022 | 16:21 GMT+7
Ngày 26/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh tham dự hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ Đông năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 các tỉnh phía Bắc.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, mặc dù là vụ sản xuất khó khăn nhất trong năm, nhưng giá trị về mặt kinh tế, an ninh lương thực mà vụ Đông mang lại cho người nông dân rất quan trọng. Cụ thể, vụ Đông năm 2021, diện tích, năng suất và sản lượng đều sụt giảm so với năm 2020 nhưng giá trị kinh tế lại tăng hơn năm 2020 khoảng hơn 2.200 tỷ đồng.

Theo Cục Trồng trọt, sở dĩ giá trị thu nhập cây vụ Đông 2021 tăng so với năm 2020 là do các địa phương đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từ chịu áp lực về thời vụ, giá trị kinh tế không cao sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn và ít chịu áp lực về thời vụ như nhóm hoa - cây cảnh, rau ăn củ, rau ăn quả chất lượng cao, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi… Đặc biệt, chú trọng sản xuất gắn với sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, có đầu ra ổn định; đồng thời trồng rải vụ, góp phần tăng giá bán.

Đối với vụ Đông năm 2022, dự báo lượng mưa từ tháng 9/2022 đến đầu năm 2023 sẽ cao hơn và mưa dồn dập hơn so với trung bình nhiều năm; nền nhiệt độ tại các tỉnh phía Bắc cũng sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C. Với hình thái thời tiết như vậy, kế hoạch sản xuất vụ Đông sẽ gặp không ít khó khăn.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tham dự hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ Đông 2021, triển khai kế hoạch năm 2022

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị, các tỉnh, thành phố cần căn cứ vào diện tích thu hoạch lúa Hè Thu, lúa mùa để chủ động xây dựng kế hoạch xuống giống, tận dụng tối đa diện tích để gieo trồng cây vụ Đông. Phải đa dạng hóa các nhóm cây khác nhau và trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ. Có thể mở rộng diện tích nhóm cây có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, khoai tây, cây dược liệu, nấm…

Cụ thể, thời vụ với nhóm cây ưa ấm nên kết thúc gieo trồng trước 1/10; nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 10/10; cây khoai tây cần tập trung xuống giống từ 25/10 đến 15/11. Lưu ý, cây ngô nếu chậm thời vụ có thể xem xét chuyển từ trồng lấy hạt sang ngô sinh khối để né thời tiết bất lợi.

Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa chia sẻ, tại tỉnh Thanh Hóa, những năm gần đây vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính. Năm nay, tỉnh tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân thuê đất sản xuất cây vụ Đông; hỗ trợ 50% các loại giống rau màu; tiền mua giống ngô… với tổng mức hỗ trợ khoảng 21 tỷ đồng. Đồng thời, phát triển diện tích liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh vốn có truyền thống và kinh nghiệm sản xuất hiệu quả cây vụ Đông. Năm nay, Hải Dương sẽ mở rộng diện tích rau màu trên đất hai vụ lúa. Việc luân canh 2 vụ lúa, 1 vụ rau sẽ mang lại lợi ích kép, vừa gia tăng hiệu quả kinh tế vừa hạn chế sâu bệnh gây hại.

Về kinh nghiệm sản xuất thắng lợi cây vụ Đông, bà Lương Thị Kiểm cho rằng, việc chia thành nhiều nhóm cây trồng khác nhau để có chính sách hỗ trợ là yếu tố hàng đầu. Nhóm cây ổn định, có tiềm năng mở rộng thị trường thì hỗ trợ nâng cao chất lượng để đáp ứng thị trường xuất khẩu; nhóm chi phí đầu tư cao như khoai tây thì tổ chức hỗ trợ theo chuỗi liên kết, đưa cơ giới hóa vào sản xuất…

Mộc Trà