Nông nghiệp sạch

Trình diễn phương thức, phương tiện canh tác lúa hiện đại, chất lượng cao

Thứ năm, 25/8/2022 | 14:29 GMT+7
Ngày 25/8, trong chuỗi sự kiện Agritechnica Asia Live 2022, buổi trình diễn các mô hình sản xuất, phương tiện cơ giới sản xuất lúa trên đồng ruộng diễn ra tại Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ).

Ngày hội trình diễn các loại máy móc cơ giới hóa phục vụ trong sản xuất lúa trên đồng ruộng có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng hàng nghìn nông dân của 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tại đây, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã giới thiệu, ra mắt các mô hình sản xuất, phương tiện cơ giới sản xuất lúa chất lượng cao, hiện đại và thân thiện với môi trường. Cụ thể, Công ty TNHH Máy nông nghiệp Yanmar Việt Nam trình diễn máy gặt đập liên hợp Yanmar YH850G với loại bồn chứa và vòi xả, hỗ trợ thuận tiện cho việc đóng bao lúa ngay tại đồng ruộng, giúp tiết kiệm công lao động và chi phí.

Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng trình diễn máy sạ cụm và máy bay không người lái từ Hàn Quốc với ưu điểm là giúp giảm lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế được sâu bệnh trên đồng…

Trình diễn các mô hình sản xuất, phương tiện cơ giới sản xuất lúa trên đồng ruộng 

Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu mô hình trình diễn cơ giới hóa trong canh tác lúa tiên tiến với mục tiêu ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ/cấy và các tiến bộ kỹ thuật đồng bộ trong canh tác lúa nhằm tiết kiệm giống, phân bón, công lao động, giúp cây lúa khỏe, phát triển tốt, ít sâu bệnh, hạn chế đổ ngã. Từ đó, góp phần tăng hiệu quả sản xuất lúa gạo, giảm tác động môi trường và tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.

Bên cạnh đó, Viện cũng quảng bá, đánh giá và chọn lọc những giống lúa mới có đặc tính vượt trội, đẩy mạnh phát triển sản xuất, bổ sung vào cơ cấu sản xuất lúa của vùng đồng bằng sông Cửu Long và một số vùng lân cận. Các giống lúa được trình diễn trong mô hình có thời gian sinh trưởng ngắn nhưng cho chất lượng cao.

Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long và Công ty APV Austria phối hợp giới thiệu mô hình cơ giới hóa sạ lúa, với mục tiêu giảm hơn 50% lượng giống so với phương pháp truyền thống; giảm trên 20% phân bón; giảm nguy cơ sâu bệnh, dịch hại và lưu trú; giảm 10 - 25% phát thải khí nhà kính.

Tại sự kiện, Công ty CP Phân bón Bình Điền giới thiệu mô hình canh tác lúa thông minh. Đây là mô hình tổng thể áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, đã khẳng định được hiệu quả trong việc giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận trong canh tác lúa.

Trung tâm Đổi mới xanh Việt Nam (GIC) giới thiệu mô hình các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến tại đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình nhằm trình diễn các kỹ thuật canh tác lúa cải tiến trong bối cảnh sản xuất bền vững giúp nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo. Đồng thời thuyết phục nông dân áp dụng kỹ thuật, đạt yêu cầu chất lượng MRL phù hợp với thị trường chất lượng cao ở Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập và giảm phát thải khí thải.

Công ty Bayer Việt Nam trình diễn mô hình các giải pháp canh tác bền vững với mục tiêu mang đến các giải pháp sáng tạo trong canh tác, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Bayer Việt Nam cùng tham gia các hoạt động khác trong chuỗi sự kiện này thể hiện sự cam kết phát triển bền vững cùng nông nghiệp Việt Nam.

Tại sự kiện Agritechnica Asia Live 2022, IRRI và trường Đại học Nông Lâm TPHCM (NLU) cùng trình diễn công nghệ san phẳng laser. Đây là công nghệ cơ giới hóa chính xác, giúp cho mặt ruộng bằng phẳng (không dốc và không chênh lệch) giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho người nông dân.

Linh Giang