Tiết kiệm điện năng

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Thứ năm, 2/7/2020 | 10:00 GMT+7
Tại TPHCM, Bộ Công Thương mới đây đã phối hợp Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan đối với Nghị định 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật giữa Bộ Công Thương, Liên minh châu Âu và GIZ thông qua Dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (dự án 4E/EVEF). Theo đó, GIZ sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định 21 nhằm tăng tính thực thi của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng cao tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (TKNL&PTBV), Bộ Công Thương khẳng định, Việt Nam đang dành sự ưu tiên cho việc giải quyết vấn đề năng lượng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc SDNLTK&HQ.

Sau gần 10 năm thi hành Luật SDNLTK&HQ, để đảm bảo thực hiện có hiệu quả luật thì cần có những đánh giá tình hình thực hiện các nội dung của Nghị định 21 để từ đó đưa ra những khuyến nghị với Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh và bổ sung các điều của Nghị định 21 nhằm hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, góp phần vào mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển thị trường năng lượng và thị trường tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam hướng đến phát triển bền vững nền kinh tế đất nước.

Cần có chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng. (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA), VECEA đã xây dựng phiếu khảo sát với 9 nhóm đối tượng liên quan là các bộ, ban, ngành, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm công nghiệp và tòa nhà, tổ chức tư vấn và dịch vụ tiết kiệm năng lượng, cơ sở thử nghiệm hiệu suất năng lượng, ngân hàng thương mại... Qua khảo sát, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Luật SDNLTK&HQ qua gần 10 năm thực thi đã bộc lộ những hạn chế. Việc sửa đổi Luật sẽ đòi hỏi thời gian trong khi những yêu cầu cấp bách từ thực tế cần được nhanh chóng giải quyết. Do đó, việc sửa đổi Nghị định 21 để phù hợp với thực tế là việc làm rất thiết thực vào thời điểm này.

Chia sẻ tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có các biện pháp quản lý và chế tài đối với các vi phạm cụ thể hơn, tăng cường phân cấp trong hoạt động quản lý Nhà nước; quy định chi tiết và bổ sung biện pháp công nghệ áp dụng tại cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng, chuẩn hoá các mô hình quản lý năng lượng, tạo hành lang pháp lý cho mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO)…

Anh Thư