Việt Nam và Vương quốc Anh hợp tác để sớm triển khai các dự án năng lượng trong khuôn khổ JETP
Theo thông tin từ Cục Điện lực (Bộ Công Thương), mới đây, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã tiếp và làm việc với bà Rachel Kyte, Đặc phái viên về khí hậu của Vương quốc Anh về hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong khuôn khổ Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về việc thúc đẩy đề ra phương hướng để sớm triển khai các dự án năng lượng trong khuôn khổ JETP.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: moit.gov.vn)
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nỗ lực để triển khai, hoàn tất các quy định, khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện cho các dự án JETP có thể triển khai như: Luật Điện lực, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, các nghị định liên quan. Cho đến nay, về cơ bản các dự án đã sẵn sàng triển khai trên cơ sở cần có nguồn vốn từ các đối tác JETP, trong đó có Vương quốc Anh.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đề nghị Vương quốc Anh nỗ lực thúc đẩy và phối hợp với các thành viên Nhóm các đối tác quốc tế (IPG), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) sớm cung cấp nguồn tài chính cần thiết để các dự án được đưa vào triển khai. Trong đó bao gồm làm việc trực tiếp với thành viên các tiểu nhóm công tác JETP, đồng thời thúc đẩy triển khai qua hoạt động hợp tác song phương Việt Nam – Vương quốc Anh.
Bà Rachel Kyte cho biết, hiện nay, nguồn tài chính của Vương quốc Anh phân bổ cho chương trình JETP đã sẵn sàng và chờ để phân bổ vào các dự án JETP. Phía Anh mong muốn tiếp tục tích cực tham gia để giải quyết những vương mắc còn tồn tại, giúp các khoản tài chính ưu đãi này được giải ngân trong thời gian sớm nhất.
Kết thúc buổi làm việc, hai bên ghi nhận sự đóng góp và hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau của Chính phủ và cơ quan hai nước trong triển khai JETP. Cơ chế hợp tác song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong suốt thời gian qua là cơ sở để nhiều dự án đã được triển khai thành công. Hai bên thể hiện mong muốn đưa những kinh nghiệm hợp tác đó vào các dự án JETP để nhanh chóng thúc đẩy phát triển năng năng lượng tái tạo của Việt Nam, đảm bảo các cam kết của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu.
Giá phát điện nhà máy điện chất thải năm 2025 tối đa là hơn 2.575 đồng/kWh
Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định số 1251/QĐ-BCT ngày 6/5/2025 phê duyệt khung giá phát điện nhà máy điện chất thải năm 2025.
Theo quyết định của Bộ Công Thương, mức giá tối đa của khung giá phát điện năm 2025 áp dụng cho loại hình nhà máy điện chất thải (chất thải rắn) quy định tại điểm a khoản 2 điều 1 Thông tư số 09/2025/TT-BCT ngày 1/2/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, phương pháp xác định, phê duyệt khung giá phát điện; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt khung giá nhập khẩu điện là 2.575,18 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Ảnh minh họa
Căn cứ khung giá phát điện nhà máy điện chất thải rắn quy định tại điều 1 Quyết định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị phát điện ký kết hợp đồng mua bán điện trên cơ sở tuân thủ quy định về phương pháp xác định giá dịch vụ phát điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Khung giá phát điện cho nhà máy điện chất thải rắn năm 2025 tại Quyết định này được áp dụng kể từ ngày Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam hết hiệu lực.
Phê duyệt khung giá phát điện loại hình nhà máy thủy điện tích năng năm 2025
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1198/QĐ-BCT ngày 26/4/2025 phê duyệt khung giá phát điện loại hình nhà máy thủy điện tích năng năm 2025.

Theo quyết định, mức giá tối đa của khung giá phát điện năm 2025 áp dụng cho loại hình nhà máy thủy điện tích năng theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 1 Thông tư số 09/2025/TT-BCT là 3.457,02 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Các thông số sử dụng tính toán mức giá tối đa của khung giá phát điện áp dụng cho loại hình nhà máy thủy điện tích năng năm 2025 được quy định như sau:
Công suất tính toán: 1.188 MW;
Đời sống kinh tế: 40 năm;
Suất đầu tư tạm tính: 17.934.713 đồng/kW (suất đầu tư tạm tính của các nhà máy thủy điện tích năng sẽ được cập nhật sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, thiết kế cơ sở được thẩm định);
Tỷ lệ điện tự dùng và tổn thất máy biến áp của nhà máy: 1%;
Số giờ vận hành công suất cực đại: 1.310 giờ/năm;
Điện năng giao nhận bình quân năm: 1.556.280.000 kWh;
Tỷ lệ sản lượng điện bơm/sản lượng điện phát: 1,44;
Đơn giá bán lẻ điện sản xuất giờ thấp điểm: 1.094 đồng/kWh (theo Quyết định 2699/QĐ-BCT ngày 11/10/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về giá bán điện).
Về tổ chức thực hiện, căn cứ khung giá phát điện quy định tại điều 1 Quyết định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị phát điện ký kết hợp đồng mua bán điện trên cơ sở tuân thủ quy định về phương pháp xác định giá dịch vụ phát điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.