Năng lượng mặt trời

Tái chế pin năng lượng mặt trời, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Thứ năm, 29/4/2021 | 09:33 GMT+7
Cần khuyến khích hoạt động nghiên cứu để đưa ra những chính sách phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của các tấm pin năng lượng mặt trời hỏng, tận dụng và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn theo xu hướng chung của thế giới.

Đó là ý kiến được nhiều chuyên gia chia sẻ tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về tái chế pin năng lượng mặt trời, áp dụng đối với Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương phối hợp Hiệp hội Thông tin, tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương Nguyễn Văn Hội cho biết, điện mặt trời là xu hướng tất yếu của ngành năng lượng Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, công suất điện mặt trời khoảng 18,89GW và năm 2045 dự kiến khoảng 53GW. Nếu các con số trong dự thảo Quy hoạch điện VIII trở thành thực tế thì khối lượng tích lũy chất thải tấm pin ước tính 404 nghìn tấn vào năm 2035 và vào khoảng 1,9 triệu tấn vào năm 2045.

Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về tái chế pin năng lượng mặt trời, áp dụng đối với Việt Nam”

"Khối lượng chất thải tấm pin mặt trời tại Việt Nam tuy khá nhỏ so với các nước dẫn đầu trên thế giới, ước tính khoảng 1,9 triệu tấn vào năm 2045, bằng khoảng 11% lượng tro xỉ nhiệt điện than ở Việt Nam hiện nay (khoảng 17 triệu tấn) nhưng để đảm bảo phát triển bền vững, Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có chính sách, cơ chế phù hợp liên quan tới thu nhận và xử lý rác thải từ tấm pin mặt trời", ông Nguyễn Văn Hội chia sẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm xử lý, tái chế tấm pin năng lượng mặt trời của các nước trên thế giới, ông Đào Trần Nhân, Hiệp hội Thông tin tư vấn Kinh tế Thương mại (VICETA) cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành luật mới “Chương trình trách nhiệm của nhà sản xuất mở rộng sẽ có hiệu lực từ năm 2023”. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các nhà sản xuất trong nước và nhà nhập khẩu phải đóng phí tái chế, dự kiến là 1,04USD/kg.

Còn Thụy Sỹ tận dụng những vật tư, linh kiện còn giá trị sử dụng và tiêu hủy những vật tư không còn giá trị sử dụng, dùng các tấm pin năng lượng mặt trời làm nguồn nguyên liệu chế tạo pin xe điện (như ô tô, xe máy)…

Đề xuất các giải pháp xử lý, tái chế tấm pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam, ông Đào Trần Nhân kiến nghị: đối với nhóm giải pháp về chính sách, cần xây dựng quy định về thời gian ngừng hoạt động, lưu trữ hoặc tái chế tấm pin mặt trời và có quy chế ràng buộc trách nhiệm rõ ràng giữa các bên. Đối với nhóm giải pháp về công nghệ, cần xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể đối với từng loại pin và xây dựng quy chế giám sát, kiểm soát chất lượng pin năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó cần có cơ chế khuyến khích tái chế cũng như xây dựng các chế tài xử phạt đúng quy định khi có vi phạm.

Có thể nghiên cứu để tái chế pin năng lượng mặt trời, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cũng đưa ra một số giải pháp. Thứ nhất, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc thu gom, xử lý pin hết hạn sử dụng. Thứ hai, quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải “thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật”. Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng và sớm hình thành bộ phận quản lý môi trường xây dựng các quy định và giám sát việc quản lý cuối cùng đối với các tấm pin năng lượng mặt trời. Thứ tư, xây dựng cơ chế và đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế tấm pin năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Thứ năm, cần có cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực. Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền về ý thức trong việc sử dụng, thu gom và tái chế pin năng lượng mặt trời một cách hiệu quả.

Tiến Đạt