Kinh tế xanh

Tái cơ cấu ngành gốm sứ thủy tinh công nghiệp

Thứ ba, 17/8/2021 | 14:50 GMT+7
Gốm sứ kỹ thuật chiếm tỷ trọng đáng kể (khoảng 80%) trong ngành gốm sứ công nghiệp thế giới. Nắm bắt xu thế đó, trong thời gian tới Việt Nam sẽ chú trọng phát triển ngành gốm sứ thủy tinh công nghiệp, nhất là gốm sứ kỹ thuật.

Gốm sứ thủy tinh là vật liệu và chi tiết quan trọng trong các ngành công nghiệp đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao như: các chi tiết trong điện thoại di động, động cơ máy bay, bộ xúc tác lọc khí thải ô tô, cáp quang truyền tín hiệu internet, bóng đèn chiếu sáng, răng sứ, các lớp chịu nhiệt và cách nhiệt trong các lò nấu thép.

Theo Hiệp hội gốm sứ Hoa Kỳ, gốm sứ thủy tinh công nghiệp bao gồm 9 lĩnh vực chính: gốm sứ trong công nghiệp hàng không và vũ trụ; gốm sứ thủy tinh trong công nghiệp điện và điện tử; công nghiệp y dược; công nghiệp sản xuất ô tô và phương tiện giao thông; công nghiệp năng lượng; công nghiệp viễn thông; luyện kim, cơ khí và hóa chất; gốm sứ thủy tinh dân dụng; gốm sứ thủy tinh mỹ nghệ và nghệ thuật.

Linh kiện, phụ kiện gốm sứ trong công nghiệp điện và điện tử

Xu hướng tăng trưởng ngành gốm sứ thủy tinh công nghiệp trên thế giới luôn ở mức cao. Đặc biệt là nguyên liệu gốm sứ cung cấp cho lĩnh vực điện tử, cáp quang và nhà mát sản xuất điện mặt trời. Gốm sứ kỹ thuật được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp do có các tính chất quý như chịu nhiệt độ cao, độ bền mài mòn, cách nhiệt tốt hay các tính chất riêng biệt như có tính áp điện, bán dẫn, cách điện và có thể tái sinh.

Cyclon thủy lực sứ chịu mài mòn cao, sử dụng trong công nghiệp chế biến khoáng sản, giấy, dầu khí, hóa chất, dược phẩm

Tuy nhiên, ở Việt Nam, gốm sứ thủy tinh công nghiệp mới đang được sử dụng tập trung ở các lĩnh vực sản phẩm chiếu sáng, gốm sứ dân dụng, gốm sứ mỹ nghệ, thủy tinh bao bì và một tỷ lệ rất nhỏ gốm sứ cách điện, điện tử và quang học. Nhiều lĩnh vực gốm sứ thủy tinh khác như: cách nhiệt, chịu nhiệt, chịu hóa chất, chịu mài mòn, điện tử chưa phát triển. 

Do đó, để nắm bắt xu hướng, tận dụng tối đa những lợi thế mà ngành gốm có thể mang lại, Viện Nghiên cứu Sành sứ thủy tinh công nghiệp đã đặt ra định hướng phát triển ngành trong giai đoạn 2022 – 2030. Trong đó, phát triển đồng bộ ba lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, dịch vụ khoa học; chuyển giao công nghệ và giới thiệu sản phẩm ngành gốm sứ thủy tinh công nghiệp theo hướng chú trọng vào phát triển lĩnh vực gốm sứ kỹ thuật.

Cụ thể, nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế biến và nâng cao chất lượng nguyên vật liệu cho ngành sản xuất gốm sứ thủy tinh công nghiệp. Trong giai đoạn 2022 - 2030, tập trung nghiên cứu và phát triển chế biến thạch anh, quartzite làm nguyên liệu sản xuất gốm sứ; tiếp cận và làm chủ công nghệ sản xuất nguyên liệu gốm sứ, thủy tinh để sản xuất pin mặt trời, cáp sợi quang và chất bán dẫn khác.

Nghiên cứu chế tạo thiết bị kiểm tra, sản xuất của ngành gốm sứ thủy tinh: tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ chế tạo một số thiết bị như: lò nung gốm sứ điều khiển tự động, môi trường khí trơ, các thiết bị cho chế biến cao lanh, thạch anh chất lượng cao và một số hệ thống thiết bị khác.

Nghiên cứu khoa học và phát triển các công nghệ sản xuất gốm sứ và thủy tinh kỹ thuật: tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất một số loại gốm sứ cách điện, chịu nhiệt, chịu hóa chất, chịu mài mòn và một số sản phẩm gốm bán dẫn, điện tử dựa trên các vật liệu gốm sứ tiên tiến (SiC, Si3N4 và các loại vật liệu gốm tiên tiến khác).

Khả Như (T/H)