Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Thứ ba, 6/9/2022 | 17:22 GMT+7
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn, thành phố Cần Thơ tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Cần Thơ, thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVMT, thành phố đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; rà soát hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý, BVMT thuộc thẩm quyền của địa phương. Đồng thời, lồng ghép giải pháp BVMT trong các chiến lược quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; áp dụng chuyển đổi số hướng đến quản lý môi trường thông minh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT của các công ty, doanh nghiệp.

Ngoài việc quán triệt và thực hiện nhất quán chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế, thành phố Cần Thơ luôn chú trọng đến công tác đánh giá tác động môi trường của các dự án, nhằm chủ động ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ giai đoạn đầu tư dự án. Việc tổ chức thẩm định đánh giá tác động môi trường với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan quản lý môi trường đã giúp cho công tác dự báo những tác động đến môi trường trên địa bàn thành phố ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh những tiến triển trong việc thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, thành phố Cần Thơ đã tập trung đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng hệ thống quan trắc không khí, nguồn nước tự động liên tục trên địa bàn. Hiện tại, địa phương đã lắp đặt 5 trạm quan trắc tự động, trong đó có 4 trạm quan trắc nước mặt, góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, đánh giá chất lượng môi trường không khí, nước, diễn biến xâm nhập mặn.

Cùng với đó, thành phố cũng tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế để chia sẻ, học hỏi những sáng kiến, giải pháp về BVMT. Với những nỗ lực trong công tác quản lý, thành phố Cần Thơ đã đạt nhiều giải thưởng về môi trường trong khu vực ASEAN.

Thành phố Cần Thơ tích cực thực hiện công tác bảo vệ môi trường

Tuy nhiên, ông Đỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở TN&MT thành phố cho biết, thời gian tới, công tác quản lý, BVMT trên địa bàn thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường tiềm ẩn từ các hoạt động phát triển kinh tế và áp lực của biến đổi khí hậu. Do đó, thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVMT, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của thành phố.

Cụ thể, thành phố sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng BVMT tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư; nâng công suất nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị từ 30.000m3/ngày/đêm lên 60.000m3/ngày/đêm; triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc mặn tự động tại 3 vị trí gần cầu Cái Sắn (quận Thốt Nốt), kênh Xà No (huyện Phong Điền) và cảng Cái Cui (quận Cái Răng); xây dựng hạ tầng tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động về nước thải, khí thải từ các công ty, doanh nghiệp.

Tiếp tục hoàn chỉnh kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025 và Bộ tiêu chí kêu gọi nhà đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ hợp tác quốc tế trong việc thực hiện các chương trình, dự án về môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới hiện đại tiên tiến của thế giới về xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại; tiếp tục triển khai dự án thu gom tự động rác nổi trên sông và mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi trên địa bàn thành phố do các tổ chức quốc tế hỗ trợ.

Sở TN&MT thành phố cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể và UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp đối với công tác BVMT trên địa bàn. Triển khai các hoạt động ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, nâng cao tỷ lệ thu gom, phân loại, xử lý chất thải và khôi phục lại những tuyến sông, kênh rạch bị ô nhiễm tại khu vực đô thị cũng như khu vực nông thôn; đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa”, khuyến khích người dân hạn chế sử dụng túi nilon, hộp xốp… khó phân hủy, ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Huyền Dung