Tăng cường năng lực kiểm soát chất gây suy giảm tầng ozone

Thứ bảy, 3/9/2022 | 15:30 GMT+7
Để kiểm soát tốt việc sử dụng các chất có khả năng gây suy giảm tầng ozone tại Việt Nam, các cơ quan hải quan đang nâng cao năng lực kiểm soát xuất, nhập khẩu những loại chất này cho đội ngũ cán bộ hải quan địa phương.

Việt Nam là một trong những nước sớm đã gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone từ tháng 1/1994.

Theo đó, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn một số chất làm suy giảm tầng ozone như CFC, Halon, CTC; kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu Methyl Bromide và thực hiện loại trừ theo lộ trình các chất HCFC. Các môi chất này được sử dụng chính trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu.

Ngày 4/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng có quy định về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone và đã được quy định chi tiết hơn trong Nghị định số 06/2022/NĐ-CP (Nghị định 06) của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.

Tăng cường năng lực kiểm soát chất gây suy giảm tâng ozone

Hiện nay, tổ chức có hoạt động sản xuất và nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ozone và chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal sẽ được xem xét phân bổ hạn ngạch sản xuất và nhập khẩu các chất được kiểm soát. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét quyết định phân bổ hạn ngạch sản xuất và nhập khẩu cho tổ chức. Đây là cơ sở để Bộ Tài chính kiểm soát hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu.

Theo bà Trần Thùy Anh, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, tổ chức có nhu cầu nhập khẩu sẽ nộp cho cơ quan hải quan các giấy tờ cần thiết sau khi thực hiện thủ tục nhập khẩu. Khi hệ thống Cổng Thông tin một cửa quốc gia được kết nối, việc theo dõi trừ lùi theo hạn ngạch được thực hiện thông qua Cổng Thông tin một cửa quốc gia.

Nhằm tăng cường trao đổi thông tin và xây dựng năng lực cho cán bộ hải quan trong việc thực thi pháp luật về quản lý các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal, từ đầu năm đến nay, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan đã phối hợp tổ chức nhiều hội thảo tập huấn cho cán bộ hải quan khu vực Bắc, Trung, Nam. Đến nay, đã có gần 200 cán bộ hải quan được tập huấn nghiệp vụ về kiểm soát hải quan đối với việc xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal.

Trong đó, các cán bộ hải quan được tập huấn về quy định pháp luật trong quản lý, kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính thuộc Nghị định thư Montreal; thủ tục hải quan và chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung, các chất được kiểm soát; phân loại áp mã số đối với các chất được kiểm soát tại danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam theo phiên bản năm 2022; nguyên tắc quản lý, các quy định hiện hành, quy trình dự kiến áp dụng sau khi kết nối Cổng Thông tin một cửa quốc gia.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và đại diện doanh nghiệp kinh doanh hóa chất cũng chia sẻ về việc nhận biết thương hiệu, môi chất lạnh, công cụ tra cứu chất được kiểm soát phục vụ công tác quản lý và các biện pháp ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp các chất làm suy giảm tầng ozone. Qua đó, giúp các cán bộ hải quan có thể nhận biết được những dấu hiệu gian lận, buôn lậu các chất được kiểm soát qua biên giới.

Ông Vũ Quang Toàn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan hải quan là một mắt xích quan trọng trong công tác kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ozone tại biên giới và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ozone. Thời gian qua, cơ quan hải quan đã và đang tích cực trong công tác xây dựng cụ thể hóa các cam kết trong văn bản pháp lý, quy trình giám sát quản lý, quy định mã HS cũng như thực thi kiểm soát chất nguy hại.

Thời gian tới, cơ quan sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo tập huấn cập nhật quy định, chính sách quản lý dành cho cán bộ hải quan các vùng, miền để quản lý, kiểm soát các chất bị quản lý, góp phần thực hiện có hiệu quả các cam kết của Việt Nam theo Nghị định thư Montreal và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali.

Theo baotainguyenmoitruong.vn