Nông nghiệp sạch

Tăng cường hợp tác quốc tế để giảm phát thải ngành nông nghiệp

Thứ năm, 10/11/2022 | 11:08 GMT+7
Nhân chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP27, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đến làm việc với một số đối tác, nhằm tăng cường quan hệ và huy động tài chính cho thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Đoàn đã làm việc với ông Eron Bloomgarden, Giám đốc điều hành Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent), cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) về việc gia hạn Ý định thư (LOI) đến 31/10/2023 cho Bộ NN&PTNT. Với Ý định thư này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng đợt một cho LEAF/Emergent 5,2 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2022 - 2026. LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này với giá tối thiểu là 10 USD/tấn CO2 với tổng giá trị là 52 triệu USD.

Ông Eron Bloomgarden cho biết, LEAF đã huy động được 1,5 tỷ USD để triển khai các Ý định thư với các nước được lựa chọn. Hiện đã có một số đối tác đề nghị được tăng lượng mua tín chỉ carbon của Việt Nam lên 18 triệu tấn CO2. Giá cả và khối lượng mua bán cụ thể sẽ được đàm phán trong Thỏa thuận mua bán giảm phát thải với Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam. Tổ chức Emergent cam kết phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Lâm nghiệp để đẩy nhanh việc chuẩn bị các tài liệu kỹ thuật, hồ sơ đàm phán Thỏa thuận mua bán với Việt Nam.

Đại diện đoàn công tác của Bộ NN&PTNT Việt Nam khẳng định, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề môi trường toàn cầu và cam kết phát triển nông nghiệp theo định hướng trách nhiệm - minh bạch - bền vững. Nhân dịp này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đề nghị LEAF/Emergent xem xét mua tín chỉ carbon cho Việt Nam từ cả các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi (ngoài lĩnh vực lâm nghiệp).

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT Việt Nam làm việc với các đối tác quốc tế

Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn công tác đã làm việc với ông Leif John, cố vấn cao cấp của Bộ Khí hậu và Môi trường Na Uy. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đánh giá cao sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Chính phủ Na Uy cho chương trình Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) Việt Nam và đề nghị Na Uy tiếp tục ủng hộ Việt Nam dự án chi trả dựa vào kết quả của Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF).

Được biết, Na Uy có thế mạnh và kinh nghiệm trong quản lý tài nguyên biển nên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế đề nghị Na Uy xem xét, hỗ trợ chuyên gia và mô hình phân tích trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu số liệu và dữ liệu về biển nói chung và các khu bảo tồn biển nói riêng.

Tại buổi làm việc với ông Tom Clements, cố vấn chính sách chiến lược, Bộ Môi trường, Lương thực và Các vấn đề nông thôn của Anh và đại diện của Bộ Ngoại giao Đức, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đã thông báo với phía đối tác về việc Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Việt Nam tham gia Đối tác của các nhà lãnh đạo về rừng và khí hậu (FCLP).

Qua đây, phía bạn đã chia sẻ về cơ chế, cách thức làm việc của đối tác FCLP nhằm hỗ trợ các quốc gia triển khai cam kết Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất tại COP26 và đề nghị các quốc gia đưa ra các vấn đề cần được ưu tiên giải quyết trong lĩnh vực lâm nghiệp để triển khai thực hiện ngay.   

Với Diễn đàn kinh tế thế giới về lương thực, thực phẩm, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đã thông báo với thành viên Ban điều hành Diễn đàn về Chương trình xây dựng Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm (FIH) tại Việt Nam và đã nhận được khẳng định sẽ được hỗ trợ để thành lập và triển khai FIH, gắn liền với phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp ở Việt Nam.

Mỹ Dung