Tập huấn kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp sản xuất xi măng

Thứ sáu, 16/12/2022 | 15:16 GMT+7
Mới đây, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo Tập huấn kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng.

Hội thảo tập huấn nhằm tăng cường năng lực thực hiện các chính sách về giảm phát thải khí nhà kính và đạt được các mục tiêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Thông qua nhiều hoạt động tập huấn, đào tạo, dự án cũng sẽ tăng cường năng lực cho khối doanh nghiệp tư nhân trong giảm phát thải khí nhà kính.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, việc giảm phát thải khí nhà kính là xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt với các doanh nghiệp của Việt Nam muốn tham gia cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Dự kiến từ tháng 10/2023, tất cả hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu vào châu Âu sẽ chịu cơ chế điều chỉnh carbon mới, trong đó xi măng là một trong những lĩnh vực chịu tác động đầu tiên. Theo đó, thông qua hội thảo tập huấn, các doanh nghiệp xi măng được cập nhật các quy định và yêu cầu mới về giảm phát thải, cách thức kiểm kê khí nhà kính.

Ông Phạm Văn Tấn thông tin thêm, xi măng là lĩnh vực đầu tiên được tổ chức đào tạo tập huấn, có công cụ kiểm kê cụ thể giúp đồng bộ quá trình thực hiện, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam.

Hội thảo Tập huấn kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng

Theo ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, sản xuất xi măng chiếm tới 70% phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng và là nguồn phát thải chủ yếu của lĩnh vực xây dựng. Do đó, thông qua sự kiện lần này, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xi măng nắm bắt phương pháp xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính, nhằm phục vụ xây dựng báo cáo kiểm kê chung của toàn ngành xây dựng, góp phần đảm bảo hạn mức phát thải.

Thông tin tại hội thảo, các chuyên gia tham dự cho biết, phạm vi kiểm kê bao gồm phát thải trực tiếp từ các nguồn mà doanh nghiệp sở hữu và kiểm soát được như phát thải do đốt nhiên liệu ở lò nung, sử dụng nhiên liệu bổ sung để phát điện tại chỗ… và phát thải gián tiếp từ việc tiêu thụ điện của doanh nghiệp.

Hiện nay, một số giải pháp ứng dụng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải phổ biến đang được áp dụng như: phối trộn các nguyên liệu với clinke trong sản xuất xi măng (xỉ lò cao, tro bay, tro đáy, bùn thải, dầu thả rác công nghiệp…); sử dụng nhiên liệu thay thế từ nguồn thải các ngành khác (dầu thải, biomass, rác công nghiệp); sử dụng năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; áp dụng công nghệ thu hồi nguyên, nhiên liệu… Những giải pháp trên được thực hiện tại nhiều nhà máy ở Nhật Bản và một số doanh nghiệp xi măng tại Việt Nam cho kết quả rất khả quan.

Theo đó, tại buổi tập huấn, các chuyên gia đến từ Nhật Bản và Việt Nam đã chia sẻ thông tin về những xu hướng toàn cầu và yêu cầu pháp lý liên quan đến ngành xi măng đối với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn; thị trường carbon và kinh nghiệm mua bán carbon; giới thiệu về hệ thống báo cáo kiểm kê khí nhà kính trực tuyến; phát triển các kỹ năng thực hành khi báo cáo phát thải khí nhà kính và nâng cao hiểu biết kỹ thuật và phát triển kỹ năng về kinh tế tuần hoàn.

Thông qua các bài giảng và bài tập thực hành, doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa kinh tế tuần hoàn với hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp, xác định các phương án giảm nhẹ và sản phẩm cụ thể có thể góp phần giảm nhẹ khí nhà kính và kinh tế tuần hoàn.

Ông Koji Fukuda, cố vấn trưởng dự án JICA hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam (SPI-NDC) chia sẻ, việc nắm vững những thông tin về kiểm kê khí thải trong hoạt động sản xuất xi măng sẽ giúp tăng cường sự tham gia của khối tư nhân thực hiện NDC, cũng như triển khai hiệu quả các quy định pháp luật về biến đổi khí hậu, đặc biệt trong vấn đề liên kết với thị trường carbon của Việt Nam trong tương lai.

Lam An