Thêm yếu tố bảo vệ nước mặt vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Thứ hai, 14/8/2023 | 16:22 GMT+7
Tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về quan trắc và bảo vệ nước mặt trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Theo Chủ tịch Quốc hội, từ bài học của Hà Nội, thành phố đã sử dụng 100% nước sạch được sản xuất từ nước mặt trong khi không có hệ thống quan trắc để giám sát an toàn nguồn nước nên khi gặp sự cố ô nhiễm nguồn nước mặt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, an toàn nguồn nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét bổ sung điều mang tính nguyên tắc về bảo vệ nước mặt. Bên cạnh đó, cần chú trọng để việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm tuần hoàn nước nhưng vẫn phải bảo đảm tổng thể hiệu quả về kinh tế - xã hội; cần bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý, hậu kiểm để người dân có thể tham gia vào công tác quản lý tài nguyên nước.

Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Báo cáo một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước bao gồm 4 nhóm chính sách lớn: bảo đảm an ninh tài nguyên nước; xã hội hóa ngành nước; bảo vệ nguồn nước khỏi ô nhiễm, cạn kiệt; phòng, chống tác hại do nước gây ra nhằm quản lý toàn diện các vấn đề liên quan đến nước.

Ông Lê Quang Huy thông tin thêm, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã kế thừa Luật Tài nguyên nước hiện hành, quy định những vấn đề chung nhất đối với hoạt động khai thác, sử dụng nước ở giác độ bảo đảm nguồn nước. Đối với quy định chi tiết về khai thác, sử dụng nước trong từng lĩnh vực, phạm vi cụ thể, Ủy ban chỉ đạo thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị giữ nội dung khai thác, sử dụng nước trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.

Các đại biểu tham gia cuộc họp đề nghị bổ sung một điều về tuần hoàn, tái sử dụng nước, trong đó quy định đối tượng bắt buộc áp dụng, sử dụng nước thải sau khi xử lý tùy theo mục đích; khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn và chính sách ưu đãi đối với việc sử dụng nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và các mục đích khác.

Ghi nhận ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 58 quy định về tuần hoàn và tái sử dụng nước thải ở 3 mức độ: khuyến khích áp dụng; có lộ trình áp dụng và bắt buộc áp dụng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, bổ sung chính sách ưu đãi, khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; ưu đãi với dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thực hiện giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 58.

Phương An (T/H)