Thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ ảm đạm về cuối năm?

Thứ ba, 24/8/2021 | 15:28 GMT+7
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến thị trường tiêu thụ các sản phẩm dầu khí nói chung và của Petrovietnam nói riêng.

Petrovietnam dự báo, nửa cuối năm 2021 nhu cầu dầu thô của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Đông Nam Á còn tiếp tục giảm sút do dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ các sản phẩm dầu khí tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Điều này được thể hiện qua báo cáo của Tổng cục Thống kê với tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng trong tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước và khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 0,8%. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước giảm 1,7%.

Theo đó, Saudi Arabia và Nga có thể tăng sản lượng 100.000 thùng/ngày mỗi tháng. Các nước còn lại trong OPEC+ sẽ tăng khoảng 10.000 thùng/ngày.

Dự kiến hết năm 2021 mới có thể kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu phục hồi từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Nhật và tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu thô của Ấn Độ, các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc sẽ giảm.

Petrovietnam còn đưa ra dự báo trong năm 2022 dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến mọi hoạt động của nền kinh tế, khiến làm chậm quá trình phục hồi ở một số nền kinh tế, trong khu vực trong đó có Việt Nam.

Các nhà máy lọc dầu như Dung Quất, Nghi Sơn đã chủ động điều tiết công suất cùng các giải pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng tồn kho nhưng mức độ tồn kho tại các nhà máy vẫn ở mức cao với trên 85%.

Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ xăng dầu của PVOIL trong tháng 8/2021 ước giảm khoảng 44% so với kế hoạch. Nhu cầu xăng dầu trong nước giảm nghiêm trọng, trong bối cảnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở nhiều tỉnh thành, sản lượng bán lẻ giảm đến 80% tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, 60% tại Hà Nội, tổng nhu cầu thị trường giảm khoảng 40%.

Với thị trường khí trong nước cũng đối diện với sự giảm sút mạnh, đặc biệt lượng khí huy động cho phát điện.

Petrovietnam dự báo các tháng cuối năm, sản lượng khí tiêu thụ sẽ còn thấp hơn khi các tỉnh, thành phía Nam vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội, các nhà máy, hộ tiêu thụ sử dụng khí làm nguyên liệu, nhiên liệu dừng hoạt động hoặc hoạt động ở mức cầm chừng.

Ngoài ra, sản phẩm phân bón của 2 nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau cũng rơi vào tình trạng cung dư hơn cầu do thời điểm mùa vụ đã qua. Cụ thể, tính đến ngày 11/8/2021 tồn kho tại Nhà máy Đạm Cà Mau là 48,2 nghìn tấn Ure, và nhà máy Đạm Phú Mỹ tồn kho 65,5 nghìn tấn Ure.

 

Mộc Mộc