Nông nghiệp sạch

Thu gom, xử lý chất thải trong sản xuất cà phê

Thứ ba, 29/10/2024 | 10:55 GMT+7
Ngày 28/10, tại Lâm Đồng, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức hội thảo Thực trạng sử dụng vật tư nông nghiệp và các giải pháp xử lý thu gom chất thải trong sản xuất cà phê.

Theo thông tin tại hội thảo, những năm gần đây, tình trạng thiếu lao động và chi phí sản xuất gia tăng đã dẫn đến việc người sản xuất cà phê sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhiều hơn, ảnh hưởng đến nguồn nước, sức khỏe cộng đồng và quá trình xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc sử dụng nông dược, vật tư đầu vào không đúng cách còn phổ biến trong sản xuất cà phê cùng với việc thu gom, xử lý chất thải trong sản xuất cà phê (vỏ, bao bì, thùng chứa vật tư nông nghiệp) chưa triệt để khiến những loại rác thải này xả thẳng ra môi trường và nguồn nước.

Số liệu thống kê của Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, lượng thuốc BVTV được sử dụng đối với cây cà phê trung bình là 5 l/ha; trong đó, 60% nông dân đang sử dụng quá mức thuốc BVTV. Ước lượng vỏ bao bì thuốc BVTV phát sinh trong sản xuất cà phê năm 2023 là 2,15 nghìn tấn.

Tăng cường các giải pháp xử lý thu gom chất thải trong sản xuất cà phê

Bà Nguyễn Thị Hoài, đại diện Cục BVTV cho biết, năm 2022, cả nước đã thu gom được hơn 412 tấn bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; xử lý hơn 216 tấn theo phương pháp đốt đúng quy định, 35,4 tấn tự xử lý theo phương pháp đốt và chôn lấp tại bãi rác của địa phương, 16,1 tấn chưa được xử lý tiêu hủy. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV không đúng cách vẫn còn phổ biến trong sản xuất cà phê. Vì lợi nhuận, các đại lý không ngần ngại đưa ra những hướng dẫn sai lệch để khuyến khích nông dân mua và sử dụng càng nhiều hóa chất nông nghiệp càng tốt.

Mặt khác, việc trồng xen cà phê với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả như hồ tiêu, sầu riêng, bơ, mắc ca... ngày càng phổ biến ở 5 tỉnh Tây Nguyên, dẫn đến việc nhiễm chéo các loại thuốc BVTV sử dụng, làm cho việc quản lý dư lượng thuốc BVTV trên hạt cà phê rất khó khăn và phức tạp. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu chính của cà phê Việt Nam như châu Âu, Mỹ có yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc BVTV với danh mục chất cấm liên tục được bổ sung.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia tại hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý, thu gom chất thải trong sản xuất cà phê như: đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở về quản lý, sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng; tăng cường tập huấn về sử dụng thuốc BVTV trên các loại cây trồng cụ thể để nông dân áp dụng.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh, hiện đã có những quy định thu gom, bể chứa, vận chuyển, xử lý tập trung rác thải thuốc BVTV. Tuy nhiên, khi gắn vào thực tiễn thì nhiều địa phương, cơ sở xử lý không triệt để do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được việc thu gom; người dân chưa ý thức được trách nhiệm đối với việc thu gom; các cấp chính quyền vào cuộc chưa đồng bộ, việc thu gom còn thiếu các điều kiện để xử lý tập trung. Vì vậy, các đơn vị cần xác định rõ tác nhân trong chuỗi xử lý này, bắt đầu từ người sử dụng thuốc BVTV, ý thức trách nhiệm của người thu gom đến người vận chuyển, xử lý.

Linh Giang (T/H)