Văn hóa, du lịch

Thừa Thiên Huế chuyển đổi số trong bảo tồn, phát huy sức mạnh văn hóa, di sản

Thứ bảy, 20/8/2022 | 16:37 GMT+7
Trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế 2022, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã vừa tổ chức diễn đàn “Chuyển đổi số - phát huy sức mạnh văn hóa, di sản, tạo đà phát triển kinh tế số”.

Tại sự kiện, các chuyên gia, diễn giả, lãnh đạo Sở, ban, ngành, nhà nghiên cứu, người yêu văn hóa, di sản… đã cùng thảo luận về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Cụ thể, có gần 1.000 di tích được kiểm kê, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, tỉnh có 7 di sản được UNESCO vinh danh thuộc 3 loại hình di sản vật thể, di sản phi vật thể và di sản tư liệu.

Chuyển đổi số bảo vệ văn hóa, di sản, tạo đà phát triển kinh tế số

Tương ứng với những công trình văn hóa trên, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa phong phú đòi hỏi phải có sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện công tác bảo tồn. Đặc biệt, cần có những công cụ, phương thức quản lý khoa học, hiện đại. Và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống.

Hiện nay, một số đơn vị đã triển khai các giải pháp chuyển đổi số áp dụng công nghệ số hóa 3D trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản. Cụ thể, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế triển khai ứng dụng điện tử hướng dẫn tham quan di tích Huế, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR code để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác - Model 3D và xoay 360 độ; phục dựng Hoàng Thành bằng công nghệ số, scan số hóa 3D lăng vua Tự Đức công bố trên nền tảng Google Arts & Cultural/Open Heritage...

Ngoài ra, Bảo tàng Hồ Chí Minh ở tỉnh cũng tổ chức các cuộc triển lãm 3D, giới thiệu không gian, tham quan bảo tàng và các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hình ảnh 360 độ trực tuyến trên web. Thư viện Tổng hợp tỉnh thực hiện scan, số hóa các tài liệu Hán Nôm được sưu tầm với hơn 400.000 trang tài liệu có giá trị, tương ứng với khoảng 4.980 đầu tài liệu các loại tại 187 làng, 923 họ tộc, 18 phủ đệ và tư gia trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Tuần lễ Festival Huế 2022 ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D Mapping hiện đại để tổ chức lễ khai mạc độc đáo và đầy ấn tượng.

Tại diễn đàn, bà Phạm Thị Khánh Ngân, Phó Trưởng phòng Quản lý Bảo tàng và thông tin tư liệu Cục Văn hóa di sản cho biết, hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chủ trì, phối hợp với các Bộ thực hiện Chương trình Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.

Chương trình hướng đến xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và hệ tri thức Việt số hóa. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng mọi lúc, mọi nơi.

Với chương trình trên, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cần nỗ lực thực hiện để sớm hoàn thành công cuộc chuyển đổi số, phát huy sức mạnh văn hóa, di sản, tạo đà phát triển kinh tế số trong tương lai.

Mộc Trà (T/H)