Năng lượng tái tạo

Thúc đẩy chính sách về năng lượng tái tạo và năng lượng sạch

Thứ hai, 17/5/2021 | 15:53 GMT+7
Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Bộ Công Thương mới đây đã phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức “Hội thảo APEC về thúc đẩy chính sách liên quan đến năng lượng tái tạo và năng lượng sạch” theo hình thức trực tuyến.

Đây là cơ hội để đại diện các nền kinh tế thành viên APEC thảo luận, trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thúc đẩy hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp về những giải pháp định hướng thị trường cung cấp các dịch vụ năng lượng tích hợp cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để trao đổi về sự tương quan giữa năng lượng tái tạo và năng lượng hóa thạch, từ đó đề xuất những khuyến nghị về mô hình chính sách năng lượng sạch hỗ trợ tương quan này. Hội thảo cũng là đóng góp của Chính phủ Việt Nam vào mục tiêu chung của APEC trong thúc đẩy chính sách liên quan đến năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.

Trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng gia tăng, quá trình công nghiệp diễn ra nhanh chóng và rộng khắp, nhu cầu năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối… ngày càng cao. 

Năng lượng tái tạo và sạch đã đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu cũng như trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể, theo chỉ đạo của các nhà lãnh đạo APEC tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22 (AELM 22) diễn ra vào tháng 11/2012 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, mục tiêu chung của hợp tác APEC trong lĩnh vực năng lượng là nhằm hướng tới giảm 45% cường độ sử dụng năng lượng trong khu vực vào năm 2035 và tăng gấp đôi tỷ lệ các loại hình năng lượng tái tạo trong tổng số năng lượng chung trong APEC vào năm 2030. 

Năng lượng tái tạo và sạch đã đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu cũng như trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh minh họa)

Theo đó, những năm gần đây, APEC đã và đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác sôi nổi, thiết thực, hiệu quả, hướng tới mục tiêu xác định và tháo gỡ những rào cản thương mại không cần thiết, thúc đẩy các cơ chế đầu tư thông thoáng, minh bạch, công bằng nhằm thu hút nguồn lực sẵn có từ khu vực tư nhân cho phát triển năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió hay điện mặt trời cũng có những mặt hạn chế như: tính không ổn định do hoàn toàn phụ thuộc vào nắng gió, khả năng giải tỏa công suất do nắng gió có khả năng khai thác kinh tế chỉ tập trung ở một số địa điểm làm ảnh hưởng tới độ tin cậy ổn định vận hành hệ thống điện; làm tăng chi phí của hệ thống mà cuối cùng là làm tăng giá điện tới người tiêu dùng cuối cùng (tăng chi phí không phải chỉ do giá năng lượng tái tạo cao mà do phải đầu tư thêm hệ thống truyền tải, hệ số sử dụng không cao…).

Theo tài liệu Tổng quan năng lượng APEC (năm 2017), tỷ trọng năng lượng tái tạo hiện đại trong tiêu thụ năng lượng cuối cùng là 7,6%. Điều này cho thấy, tỷ lệ năng lượng tái tạo còn hạn chế ở hầu hết các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Mặc dù các hệ thống năng lượng trong tương lai sẽ đòi hỏi tỷ lệ năng lượng tái tạo và sạch cao nhưng chính sách thường được xây dựng và thực thi riêng biệt nên kết quả không đạt mức mong đợi của Chính phủ, người tiêu dùng, doanh nghiệp.

Trong hai ngày 12 - 13/5, với sự tham gia của các học giả, nhà hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp và tổ chức, hiệp hội trong cũng như ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội thảo đã thảo luận, đưa ra nhiều sáng kiến, khuyến nghị khả thi, có thể áp dụng cho hợp tác APEC về lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng sạch trong thời gian tới.

Kết quả của hội thảo sẽ được báo cáo lên các diễn đàn liên quan của APEC gồm Nhóm chuyên gia APEC về Công nghệ năng lượng mới và tái tạo (EGNRET) và Nhóm công tác APEC về Năng lượng (EWG) nhằm sớm biến định hướng, chính sách thành hiện thực.

Lan Anh