Năng lượng tái tạo

EVN: Việc tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo là tình trạng khách quan

Thứ tư, 5/5/2021 | 09:33 GMT+7
Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo cũng như các loại nguồn điện khác trong thời gian qua là tình trạng khách quan, không mong muốn.

Ngày 4/5, tại Hà Nội, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Đình Nhân chủ trì buổi làm việc với các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng, chuyên gia môi trường về tình hình vận hành hệ thống điện năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. 

Tại buổi làm việc, các chuyên gia năng lượng, chuyên gia kinh tế dành nhiều thời gian trao đổi những vấn đề về quy hoạch điện; phát triển nguồn năng lượng gió, LNG; đầu tư pin tích trữ năng lượng; việc tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện; cơ chế giá điện; đồng bộ lưới điện truyền tải với nguồn điện; an ninh năng lượng gắn với an ninh quốc phòng…

Nguồn năng lượng tái tạo tăng cao trong thời gian qua đã gây khó khăn cho việc duy trì sự ổn định trong vận hành hệ thống điện

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (NLDC) cho biết, dù nguồn năng lượng tái tạo đến hết năm 2020 đạt gần 20.000MW, chiếm tỉ trọng công suất khoảng 30% toàn hệ thống điện nhưng sản lượng lại chỉ chiếm khoảng 12% toàn hệ thống. Nguồn năng lượng tái tạo tăng cao trong thời gian qua đã gây khó khăn cho việc duy trì sự ổn định trong vận hành hệ thống điện. Hàng loạt khó khăn, vướng mắc được lãnh đạo NLDC chỉ ra như: dự báo công suất phát điện mặt trời, điện gió có sai số lớn do đặc tính bất ổn định của loại nguồn này, hay phụ tải chênh lệch giữa giờ cao điểm và thấp điểm lớn, hoặc nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên huy động nhưng NLDC vẫn phải đảm bảo vận hành thị trường điện...

GS.TS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, việc các dự án năng lượng tái tạo bùng nổ đang kéo theo những khó khăn về quản lý Nhà nước. Bất cập hiện nay là khi phê duyệt các dự án năng lượng mặt trời, các UBND tỉnh không tham khảo ý kiến của bên bán điện về những khó khăn trong việc vận hành, đấu nối. Cơ quan lập quy hoạch điện là Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cũng bị đứng ngoài cuộc trong việc phê duyệt dự án. Những điều này dẫn đến quá trình thiếu kiểm soát trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo thời gian qua.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh nhận định, việc bùng nổ các dự án điện mặt trời, điện gió trong thời gian vừa qua chủ yếu xuất phát từ việc các địa phương phê duyệt quá nhiều dự án. Bộ Công Thương và EVN chỉ là đơn vị được cập nhật thông tin về sau khi các dự án được phê duyệt.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam thì bày tỏ quan ngại về việc một số dự án điện mặt trời do tư nhân đầu tư hiện đang có sự mua bán, chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, cũng như an ninh quốc phòng. Bà Phạm Chi Lan nêu kiến nghị, Nhà nước cần có sự kiểm soát chặt chẽ đối với những dự án năng lượng tái tạo có quy mô tương đối lớn, nhất là ở những khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng.

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân thông tin về tình hình vận hành hệ thống điện tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết, năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng toàn Tập đoàn đã nỗ lực đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân. 

Tổng giám đốc EVN cũng khẳng định, việc tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo cũng như các loại nguồn khác trong thời gian qua là tình trạng khách quan, không mong muốn. Là doanh nghiệp Nhà nước được giao vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo điện cho quốc gia, EVN sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy và liên tục. EVN mong muốn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp sử dụng điện, nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động điện lực...

Lan Anh