Nông nghiệp sạch

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang

Thứ hai, 17/4/2023 | 15:33 GMT+7
Ngày 17/4, Tỉnh ủy Hà Giang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2030”.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho biết, Hà Giang là tỉnh có 80% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, do đó ngành nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị là 1 trong 3 đột phá của tỉnh. Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề chỉ đạo phát triển nông nghiệp, được cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện, góp phần đổi mới tư tưởng của cán bộ, nhân dân trong phát triển nông nghiệp, tạo ra giá trị, thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang mong muốn Bộ NN&PTNT cùng các đơn vị đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị, đảm bảo phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; thu hút nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp cho vùng sản xuất các sản phẩm đặc trưng theo chuỗi giá trị cho tỉnh. Bên cạnh đó, nâng cấp, hoàn thiện thực hiện giá trị đã có thành đặc trưng hàng hóa và phát triển mới các chuỗi có tiềm năng trở thành hàng hóa, với quy mô phù hợp với từng tiểu vùng và theo tín hiệu thị trường. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị - du lịch nông nghiệp gắn với bản sắc văn hóa của người dân bản địa. Hỗ trợ củng cố, kiện toàn, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, chế biến nông sản; liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn mới phù hợp với yêu cầu của thị trường gắn với xuất khẩu. Giải pháp vừa bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu vừa phát triển kinh tế rừng…

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển nông lâm nghiệp của tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng thảo luận, đề xuất các nhóm giải pháp về khoa học kỹ thuật, cơ chế, chính sách để tạo động lực cho nông nghiệp bứt phá và phát triển bền vững. Các ý kiến tập trung vào định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh đến năm 2030 theo phương án quy hoạch; giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển đổi cây ngô sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; phát triển các cây, con đặc trưng, đặc sản có lợi thế so sánh của tỉnh như cam, chè, dược liệu, cây ăn quả ôn đới, bò vàng, lợn địa phương, mật ong; giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhất là đối với 4 huyện vùng Cao nguyên đá…

 Hội nghị “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2030"

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, Hà Giang có nhiều sự khác biệt và có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Do đó, các nhà khoa học, các đơn vị cần tiếp thêm trí lực, nguồn lực cho Hà Giang khởi tạo giá trị mới. Không được dừng lại ở báo cáo mà cần hành động, mở rộng tư duy, kiến tạo hệ sinh thái đa giá trị từ nông nghiệp để tạo giá trị cao, nâng cao đời sống người dân. Tìm kiếm giải pháp thực sự hiệu quả để giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp với du lịch; đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm để quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Có sự linh hoạt, chuyển hóa, chuyển đổi các mô hình kinh tế hiệu quả.

Tỉnh Hà Giang cần xác định phát triển nông nghiệp, du lịch không chỉ là phát triển kinh tế đơn thuần mà còn là trách nhiệm và lòng tự hào của quê hương Hà Giang, vùng đất “nở hoa trên đá”. Chú trọng giữ gìn, phát huy không gian văn hóa để tạo giá trị, xây dựng thương hiệu. Liên kết trong sản xuất từng ngành hàng, từ khâu giống đến sau thu hoạch để tạo các chuỗi giá trị của các sản phẩm nông sản. Cần đi cùng nhau để đi xa, để tối đa hóa giá trị, chuẩn hóa quy trình sản xuất ngành hàng…

Trước đó, trong chương trình làm việc tại tỉnh Hà Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và các thành viên đoàn công tác đã đi khảo sát một số mô hình phát triển kinh tế tại tỉnh. Cụ thể, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã đi khảo sát gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu tại cầu Trì (Bắc Quang); kiểm tra thực tế sản xuất đông trùng hạ thảo, vườn ươm công nghệ cao giống cây trồng nông, lâm nghiệp, cây ăn quả, hoa cây cảnh và dược liệu của Công ty CP Phát triển nông, lâm nghiệp Việt Nam tại thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên); khảo sát cánh đồng sản xuất rau, hoa của bà con nông dân thôn Vĩnh Tiến, xã Quyết Tiến (Quản Bạ); thăm bà con nhân dân Làng Văn hóa, du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ); khu nghỉ dưỡng H’Mông Village, xã Đông Hà (Quản Bạ).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao việc sản xuất các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, với nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Bộ trưởng đề nghị tỉnh Hà Giang và các địa phương trong tỉnh khuyến khích, hướng dẫn nhân dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung; liên kết các hộ để đảm bảo thực hiện theo quy trình từ khâu chọn giống đến gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Chú trọng đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, xây dựng thương hiệu và đặc biệt quan tâm đến việc sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, cần có sự nghiên cứu, hỗ trợ về khoa học, công nghệ trong sản xuất nông, lâm nghiệp để tỉnh Hà Giang cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững; tránh những mô hình khảo nghiệm không mang lại chất lượng, không hiệu quả. Tỉnh Hà Giang và các đơn vị cần nghiên cứu phát triển mạnh việc gắn phát triển nông nghiệp với du lịch nông nghiệp để tăng hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Mộc Trà