Công nghệ Giao thông

Thúc đẩy tiến độ đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn

Thứ ba, 5/11/2024 | 16:15 GMT+7
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi UBND TP Hà Nội và UBND TPHCM về Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố đến năm 2035.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị hai thành phố tập trung nguồn lực, rà soát thủ tục, hoàn thiện hồ sơ Đề án và gửi Bộ GTVT trước ngày 8/11/2024 để triển khai các thủ tục tiếp theo; đồng thời, bố trí nhân sự, cung cấp đầy đủ hồ sơ, chủ động phối hợp với Bộ GTVT hoàn thiện đề án, tờ trình, dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ GTVT chịu trách nhiệm tổng hợp một hồ sơ Đề án trình Thường trực Chính phủ trước ngày 10/10/2024. Tuy nhiên, đến nay Bộ GTVT mới nhận được hồ sơ báo cáo Đề án của UBND TPHCM, chưa nhận được hồ sơ báo cáo Đề án của UBND TP Hà Nội nên việc tổng hợp hồ sơ Đề án đã chậm hơn so với chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Để bảo đảm tính thống nhất nội dung Đề án, Bộ GTVT đề nghị hai thành phố sớm rà soát, xác định suất đầu tư đường sắt đô thị (đi trên cao và đi ngầm); cơ sở lựa chọn công nghệ; khả năng làm chủ công nghệ, vận hành, khai thác (xác định cơ quan chủ trì tiếp nhận công nghệ, thiết bị, đầu máy, toa xe); nhu cầu và phương án đào tạo nhân lực; phương án huy động nguồn lực; mô hình quản lý, khai thác; cơ chế, chính sách thực hiện...

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, ngày 17/10/2024, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Hà Nội và UBND TPHCM để tính toán, đánh giá tác động nợ công khi triển khai đồng bộ các dự án đầu tư đường sắt trọng điểm quốc gia. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND TPHCM phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để sớm có báo cáo đánh giá tác động tổng hợp nợ công khi triển khai các dự án đầu tư.

Trước đó, để bảo đảm tính đồng bộ trong đầu tư, khai thác, Bộ GTVT đề xuất một số thông số kỹ thuật chung chủ yếu cho hệ thống đường sắt đô thị tại hai thành phố gồm: khổ đường 1.435 mm, đường đôi; tốc độ thiết kế 80 - 160 km/h; hệ thống cấp điện trên cao hoặc cấp điện ray thứ ba; vận hành đoàn tàu tự động; phương tiện sử dụng đoàn tàu động lực phân tán EMU.

Về lộ trình thực hiện, Bộ GTVT dự kiến đến năm 2035 sẽ hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch hiện có, tổng chiều dài khoảng 580,8 km; đến năm 2045 hoàn thành khoảng 369,1 km (TP Hà Nội khoảng 200,7km; TPHCM khoảng 168,4 km); đến năm 2060 hoàn thành khoảng 158,66 km tại TPHCM.

Theo đó, đến năm 2035, các dự án này cần khoảng 72,03 tỷ USD, đến năm 2045, cần khoảng 44,43 tỷ USD; đến năm 2060 cần khoảng 40,61 tỷ USD. Trong đó đến năm 2030, đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 11,82 tỷ USD và đến năm 2035, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 6,29 tỷ USD.

Hải Long (t/h)