Thúc đẩy vai trò của các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường

Thứ sáu, 29/7/2022 | 10:29 GMT+7
Ngày 28/7, Hội nghị các Nhà khoa học trẻ ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) diễn ra với sự tham gia của 200 nhà nghiên cứu khoa học trẻ đến từ các viện, trường, các đơn vị quản lý trong và ngoài ngành.

Đây là lần đầu tiên Bộ TN&MT tổ chức một sự kiện đặc biệt dành riêng cho các nhà khoa học trẻ với kỳ vọng truyền cảm hứng sáng tạo và thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng thuộc 9 lĩnh vực ngành vào thực tế. Tại đây, các nhà khoa học trẻ chủ động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phục vụ công tác quản lý ngành, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, Việt Nam đang đứng trước cuộc cạnh tranh về khoa học và công nghệ. Do đó, việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học trong giới trẻ để góp phần kiến tạo một tương lai xanh là hết sức cần thiết.

Việt Nam đã trải qua các giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đến nay là giai đoạn cần có sự bứt phá hơn, tuy nhiên chúng ta không thể bứt phá bằng tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ mà cần phải dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để làm được điều đó, có nhiều điều phải chuẩn bị: nguồn lực từ sớm, từ xa, chú trọng đào tạo từ các thế hệ trẻ.

Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học trong giới trẻ góp phần phát triển ngành TN&MT

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ TN&MT đã tổ chức tọa đàm Vai trò của các nhà khoa học trẻ trong chuyển đổi số và công nghệ số lĩnh vực TN&MT phục vụ phát triển bền vững. Tọa đàm nhằm trao đổi, giải đáp, khuyến khích và định hướng đối với các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực TN&MT, phát huy tính xung kích sáng tạo phục vụ hiệu quả phát triển bền vững cho đất nước.

Ngoài ra, các nhà khoa học trẻ cũng tham gia hội thảo khoa học với chủ đề "Chuyển đổi số và công nghệ số trong lĩnh vực TN&MT phục vụ phát triển triển bền vững".

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm đánh giá, chuyển đổi số đang trở thành vấn đề tất yếu, sống còn của mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp... trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Riêng với lĩnh vực dự báo khí tượng thủy văn, Trung tâm đã sử dụng hệ thống dữ liệu lớn (big data), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)  trong nhận dạng xoáy thuận nhiệt đới tương tự trong quá khứ để đưa ra các kịch bản tác động, từ đó chủ động ứng phó.

Tại hội nghị, Bộ TN&MT cũng đã ra mắt Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành TN&MT. Câu lạc bộ được thành lập với mong muốn xây dựng môi trường giao lưu và chia sẻ giữa các nhà khoa học trẻ trong ngành TN&MT và các nhà khoa học trẻ ngoài ngành đã, đang có các công trình nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực của Bộ TN&MT vì sự phát triển bền vững.

Câu lạc bộ còn là nơi để chia sẻ quan điểm và trao đổi học thuật, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ nghiên cứu khoa học, các giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên từ các trường đại học có đào tạo các chuyên ngành liên quan đến TN&MT để tiếp nối thành công và kiến tạo một nền tảng vững chắc cho khoa học.

Thanh Tâm