Nông nghiệp sạch

Thụy Sĩ và Đức hợp tác hỗ trợ phát triển nông nghiệp Việt Nam

Thứ ba, 28/6/2022 | 17:37 GMT+7
Ngày 28/6, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp và làm việc với ông Philipp Rosler, Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sĩ, cùng đại diện 22 doanh nghiệp, quỹ đầu tư, quỹ khởi nghiệp của Thụy Sĩ và Đức.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định đây là cơ hội tốt để các bên trao đổi, tìm hiểu về hợp tác phát triển nông nghiệp Việt Nam với sự tham gia của các doanh nghiệp, quỹ đầu tư lớn của Thụy Sĩ và Đức.

Việt Nam đang ngày càng trở thành một đối tác quan trọng không chỉ đối với Thụy Sĩ, Đức mà còn với các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt, đoàn công tác Thụy Sĩ, Đức có hai mối quan tâm đó là sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam sang các quốc gia khác trên thế giới và bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững.

Đối với vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, đặc biệt là sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững, áp dụng công nghệ cũng như các chiến lược cải cách đổi mới là điều tất yếu.

Sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững tại Việt Nam từ kinh nghiệm và hỗ trợ của quốc tế

Đặc biệt, gần đây ngành nông nghiệp đã quan tâm hướng dẫn người nông dân kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu vào, mang lại lợi ích về kinh tế, đồng thời giảm tác động của quá trình sản xuất lên môi trường. Trong đó, ngành thủy sản khuyến khích đầu tư phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và bền vững, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ; phát triển hệ thống cơ sở thủy sản với công nghệ tiên tiến; tận dụng công nghệ, thiết bị vào khâu sơ chế, bảo quản, kho lạnh… để đảm bảo chất lượng nguyên liệu và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng quan tâm tới hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia đầu tư, xây dựng các mô hình canh tác tiên tiến và phát triển chuỗi giá trị cho lúa gạo từ giống, vật tư nguyên liệu đầu vào đến chế biến sâu, đa dạng hóa các loại sản phẩm, logistics và phân phối… Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam cũng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế đất…

Liên quan đến vấn đề phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng lấy người dân làm trung tâm và đặc biệt quan tâm đến các mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp đưa ra nhiều giải pháp quan trọng như tổ chức lại sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang xây dựng chuỗi giá trị, trong đó khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong tổ chức sản xuất và thúc đẩy ứng dụng các thành tựu công nghệ, chuyển đổi số.

Đại diện đoàn doanh nghiệp Thụy Sĩ, Đức đánh giá cao thành tựu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam cũng như con số ấn tượng về xuất khẩu mà Việt Nam đạt được trong năm qua. Tuy nhiên, với đà tăng như hiện nay, phía doanh nghiệp nước ngoài cho rằng Việt Nam cần chú trọng đến vấn đề lạm dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và tác động đến môi trường.

Bên cạnh đó, ông Philipp Rosler mong muốn Bộ NN&PTNT thông tin về những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp Thụy Sĩ, Đức có dự định đầu tư công nghệ, số hóa trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của Việt Nam.

Khả Như (T/H)