Tích cực triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Thứ sáu, 10/5/2024 | 15:22 GMT+7
Ngày 10/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

Thông tin tại hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường nhận định, từ tháng 7 – 9/2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Trong mùa mưa bão năm nay, Biển Đông có khả năng xuất hiện 11 - 13 cơn bão, trong đó có 5 - 7 cơn đổ bộ vào đất liền nước ta, tập trung chủ yếu vào giai đoạn cuối năm. Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và các sông, suối nhỏ ở Bắc Bộ đạt mức báo động cấp 2 - 3; nguy cơ ngập lụt tại đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi.

Trước tình trạng trên, tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương cùng chia sẻ nhiều kinh nghiệm, chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra…

Đại diện các tổ chức quốc tế khuyến nghị cơ quan phòng, chống thiên tai Việt Nam cần nâng cao chất lượng công tác dự báo, hành động sớm trước thiên tai; quan tâm hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai; chuyển đổi sản xuất theo hướng thuận thiên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải hành động sớm, chủ động trước mọi tình huống, tuyệt đối không chủ quan trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Cụ thể, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các Bộ, các cấp ở địa phương; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai…

Tiếp tục triển khai công tác phòng, chống thiên tai đồng bộ ở cả 3 giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai.

Tăng cường, đa dạng hóa các hình thức truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp và cộng đồng. Bên cạnh đó, thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát trước mùa mưa lũ; rà soát, cập nhật, tính toán phương án phòng, chống thiên tai; tăng cường chất lượng công tác dự báo, bảo đảm kịp thời, chuẩn xác nhất có thể.

Các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành chia sẻ thông tin, đào tạo chuyên môn (nhất là công tác dự báo), phổ biến các kinh nghiệm ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai; đồng thời xem xét hỗ trợ trang thiết bị, hạ tầng thông qua các dự án về công tác dự báo, chủ động ứng phó, giảm thiệt hại thiên tai.

Đối với công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương cần duy trì nghiêm chế độ trực, nắm chắc tình hình, chủ động ứng phó và tìm kiếm cứu nạn kịp thời, hiệu quả; tổ chức huấn luyện, tập huấn, diễn tập; đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn…

Kim Bảo (T/H)