Theo UBND tỉnh Tiền Giang, vào mùa khô hàng năm, độ mặn trên cửa sông Tiền và sông Vàm Cỏ lấn sâu vào nội đồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất vùng ngọt hóa Gò Công và diện tích vườn cây ăn trái ở các huyện phía Tây của tỉnh. Đặc biệt, tình trạng thiếu nước ngọt làm ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân các huyện phía Đông, nhất là 2 huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông.
Thời gian qua, diện tích đất rừng phòng hộ ven biển của tỉnh bị ảnh hưởng trầm trọng do nước biển dâng xâm thực và xói lở. Tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch ở Tiền Giang ngày càng diễn biến rất phức tạp và có xu thế gia tăng cả về phạm vi và mức độ nguy hiểm. Cụ thể, toàn tỉnh đã xảy ra trên 100 điểm sạt lở bờ sông, bờ kênh với chiều dài trên 5.000m. Mức độ sạt lở đang có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại, không chỉ xảy ra trên kênh trục chính mà cả kênh cấp 2, 3 làm ảnh hưởng đến nhà cửa của người dân và đường giao thông, đê bao…
UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện và triển khai nhiều giải pháp, hoạt động thích ứng trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan đã xây dựng các văn bản để triển khai, thực hiện ứng phó một cách cụ thể, phù hợp với ngành, lĩnh vực và địa phương.
Chủ động nhiều biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai
Trong đó, để giúp nông dân giảm bớt khó khăn, mở hướng sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả, Tiền Giang chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng và mùa vụ thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng và triển khai đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ, tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp phi công trình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn...
Bên cạnh đó, tập trung triển khai các dự án, công trình và mô hình ứng phó biến đổi khí hậu như các mô hình: trồng rừng ngập mặn, khu tái định cư cho cư dân vùng sạt lở, đê kè ngăn mặn và tiêu úng nước, công trình thủy lợi kết hợp đường giao thông…
Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang còn ban hành Kế hoạch về tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn". Kế hoạch nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và nhận thức của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đảm bảo công tác phối hợp thực hiện phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả.
Kế hoạch cũng góp phần tập hợp, động viên sức mạnh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia công tác phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Chủ động phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.