Đề dẫn tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập thường trực Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam đón nhận một tin vui lớn là xuất khẩu rau củ trong tháng 9/2024 tăng trưởng vượt bậc, với giá trị đạt được hơn 920 triệu USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 9 năm nay, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành rau củ nước ta đã đạt mức 5,6 tỉ USD, bằng tổng giá trị xuất khẩu toàn năm 2023. Đây là mức tăng trưởng có thể nói là chưa từng thấy trước đó. Đây là kết quả của nỗ lực rất lớn từ Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa và nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong việc xây dựng thể chế, kết nối thị trường, xây dựng thành công các thương hiệu cho nông sản Việt.
![](/userfile/User/daomp/images/2023/z5868080589307_1af21ee0f07a3ec1a62f5a9a831b0812-20240926153729783.jpg)
Phó Tổng biên tập thường trực Báo Pháp luật TP. HCM Nguyễn Đức Hiển báo cáo đề dẫn
Xâm phạm thương hiệu dẫn đến nhiều hệ lụy
Tuy nhiên, đi ngược những nỗ lực to lớn ấy, tình trạng xâm phạm thương hiệu nông sản Việt vẫn còn diễn ra không ít, với những hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. “Vấn đề bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt nói riêng, nông sản Việt nói chung, đặt ra nhiều thách thức cần được nhìn nhận một cách thấu đáo”, ông Hiển nói.
![](/userfile/User/daomp/images/2023/NQ-Tu-20240926153728861.jpg)
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thùy Quý Tú
Tại buổi Tạo đàm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thuỳ Quý Tú đã chia sẻ một số thông tin về nông nghiệp của tỉnh. Năm 2024, toàn tỉnh có 69.000 ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 21% diện tích canh tác (gồm 670 ha ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số). Đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 100.000 ha áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, tăng 21% so với năm 2020. Trong đó nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận đạt 2.400 ha tăng 2.295 ha; VietGAP 8.500ha, tăng 5.234 và 89.100 tiêu chuẩn an toàn, bền vững trong nước và quốc tế khác, tăng 9.096 ha. Hiện, Lâm Đồng có 37 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận độc quyền; 2 nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ ở nước ngoài… “Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận nhỏ vì lợi nhuận mà bất chấp các hành vi vi phạm, giả mạo thương hiệu nông sản Đà Lạt, Lâm Đồng. Việc này ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu nông sản Đà Lạt, Lâm Đồng”, bà Tú nói.
Đại diện cho nhà sản xuất, Giám đốc HTX Vườn Nhà Đà Lạt Lương Thị Yến Vân bày tỏ sự bức xúc khi nông sản Đà Lạt bị giả mạo, không những khoai tây mà còn là dâu tây và các loại rau. Nông sản giả mạo thương hiệu Đà Lạt có giá thị trường thấp, khó nhận biết thật/giả. Bà Vân “Rất mong cơ quan chức năng có biện pháp giúp người tiêu dùng nhận diện đâu là hàng Đà Lạt đâu là hàng nhập khẩu để người dân dễ dàng nhận biết và chọn lựa”.
![](/userfile/User/daomp/images/2023/z5868465648152_2741510107f0120d07c9a5fbaa4d9e16-20240926153730740.jpg)
Đại diện cơ sở sản xuất bày tỏ bức xúc khi nông sản bị giả mạo thương hiệu
Nêu vấn đề cụ thể khoai tây Đà Lạt bị mạo danh từ khoa tây Trung Quốc, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân cho rằng, hành vi này không chỉ vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín nông sản trong nước. Đây là hành vi vi phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quảng cáo. Thực tế chế tài mức phạt hành chính chưa đủ sức răn đe, vì vậy ông đề xuất tăng cường chế tài bằng cách đề xuất nâng mức phạt hành chính hoặc xử lý hình sự để mang hiệu quả…
![](/userfile/User/daomp/images/2023/5-20240926153727736.jpg)
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ nâng giá trị canh tranh mạnh trên thị trường
Cần nhiều giải pháp và đồng bộ từ quản lý, sản xuất đến tiêu dùng
Theo Tiến sỹ Dương Thái Trung, Chuyên viên cao cấp Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, có 7 giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt nói riêng và nông sản Việt nói chung. (1) Quản lý chặt nguồn cung bằng các quy định chặt chẽ, cam kết của các thương nhân, tiểu thương kinh doanh nông sản trên địa bàn. Các tiểu thương, thương nhân phản báo cáo định kỳ; đồng thời, phân công công chức, viên chức theo dõi quản lý địa bàn, thương nhân/tiểu thương kinh doanh nông sản nếu để xảy ra vi phạm công chức, viên chức đó nếu không kịp thời báo cáo, xử lý sẽ liên đới chịu trách nhiệm. (2) Tăng cường tuyên truyền phố biến tới người tiêu dùng biết về chất lượng, nhận diện, sản lượng, thời điểm thu hoạch nông sản; các địa điểm phân phối nông sản đúng thương hiệu. (3) Thực hiện các giải pháp để hạ giá thành sản xuất tăng sức cạnh tranh của nông sản với nông sản nhập khẩu. (4) Tăng cường thực hiện truy gốc nguốn gốc nông sản, ứng dụng QR CODE đối với nông sản. (5) Tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản có thương hiệu nói chung thông qua hợp đồng giữa các nhà (nhà nông, hợp tác xã, ngân hàng, doanh nghiệp phân phối …). (6) Tăng cường công tác thông tin tuyền truyền, tập huấn pháp luật về thương hiệu, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc đảm bảo đủ mạnh, đủ rộng để có thể phổ biến đến người kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn cả nước…(7) Địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng (quản lý thị trường, công an kinh tế…) các cơ sơ kinh doanh nông sản trên địa bàn để kịp thời xử lý vi phạm và ngăn ngừa tái phạm; xử lý nghiêm các vụ vi phạm, thậm chí xử lý hình sự để răn đe và làm gương.
![](/userfile/User/daomp/images/2023/z5868515268556_d399280b5e24c2d7aa5714b1c99353ab-20240926155631328.jpg)
Tiến sĩ Đinh Quang Anh -Trường Đại học Đà Lạt chia sẻ một số giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản của các nước
Cũng nhằm bảo vệ thương hiệu nông sản, Tiến sĩ Đinh Quảng Anh, giảng viên Khoa Nông lâm, Trường Đại học Đà Lạt cho rằng cần tăng tính cạnh tranh cho nông sản về giá lẫn chất lượng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai áp dụng bảo hộ thương hiệu nông sản bằng việc áp dụng tiêu chuẩn, chứng nhận sản phẩm nhằm tăng cường sự tin tưởng của người tiêu dùng. Ông cũng cho biết, các nước coi trọng đề cao giáo dục nhận thức của người tiêu dùng, chú trọng bảo hộ chỉ dẫn địa lý các nông sản, để từ đó xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu nông sản trong nước và quốc tế. Mặt khác, tổ chức thường xuyên hội chợ nông sản địa phương để nông dân, doanh nghiệp đem sản phẩm nông nghiệp tới người tiêu dùng, tiếp cận nhanh với siêu thị chứ không cần qua nhiều khâu trung gian.
![](/userfile/User/daomp/images/2023/LMHoa-20240926153728002.jpg)
Tại cầu trực tuyến ở Hà Nội, Phó Cục trưởng Lê Thanh Hòa nêu nhiều nội dung liên quan đến thương hiệu nông sản Việt
Về phía Bộ NN&PTNT, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa cho biết Bộ đang tập trung có các giải pháp hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản nói chung. Trong đó, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ tích cực tập trung nguồn lực, triển khai Chương trình phối hợp về hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại thị trường nước ngoài, nhằm tuyên truyền, phổ biến dưới hình thức hội thảo, tập huấn và xây dựng tài liệu tuyên truyền, quảng bá. Dự kiến, Bộ NN&PTNT đề xuất trình Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản.
![](/userfile/User/daomp/images/2023/z5868034033913_20ebf5b037f9f705e4197a0eeacc23e8-20240926153729315.jpg)
Toàn cảnh buổi Tọa đàm trực tiếp diễn ra tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Về phía địa phương, theo ông Lê Thanh Hoà, cần gắn phát triển xây dựng nhãn hiệu chung sản phẩm nông sản với quản lý xây dựng mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản. Liên kết giữa người nông sân, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản…
![](/userfile/User/daomp/images/2023/z5868413524307_a7172487a8aa421a6c6323ca8a199a7b-20240926153730127.jpg)
Sản phẩm khoai tây Trung Quốc được thương lái mạo danh khoai tây Đà Lạt đang bị cơ quan chức năng lập biên bản
Tổng kết và ghi nhận buổi Tọa đàm, Tiến sĩ Phạm S-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh đã quyết định chi 1 tỉ đồng làm trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận biết khoai tây Đà Lạt nhưng đến nay chưa có cơ quan khoa học nào triển khai thực hiện được.
![](/userfile/User/daomp/images/2023/z5868656779036_c255d61bad79cb6a8bf32dc86d615abf-20240926153731096.jpg)
Tiến sĩ Phạm S -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tổng kết buổi Tọa đàm
Về giải pháp, ông Phạm S nêu gồm mấy nội dung: thứ nhất, cần cải thiện năng suất, giảm giá thành sản xuất thông qua ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ trong sản xuất; thứ hai, đầu tư nghiên cứu khoa học, nhất là về giống cây trồng, để nâng cao chất lượng sản phẩm; thứ ba, quản lý chặt chẽ hơn về thương hiệu và chất lượng sản phẩm, bao gồm việc xác định rõ nguồn gốc, sử dụng công nghệ để phân biệt sản phẩm thật và giả xuất xứ. Giải pháp tiếp theo là tăng cường truyền thông, quảng bá thương hiệu nông sản của địa phương, trong đó của Đà Lạt. Phó Chủ tịch Phạm S cũng nhấn mạnh đến vai trò phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm các sở liên quan, ngành chức năng. Cuối cùng, cần xây dựng mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh giữa doanh nghiệp và nông dân để nâng cao hiệu quả và giảm rủi ro.