Sức khỏe

Trao đổi nâng cao kỹ thuật ghép phổi và y học tái tạo tại Việt Nam

Thứ tư, 17/5/2023 | 17:13 GMT+7
Mới đây, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), Hội Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và các cơ quan liên quan đã tổ chức hội thảo khoa học “Y học kỹ thuật cao: Ghép phổi và y học tái tạo tại Hoa Kỳ và Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, Bệnh viện Phổi Trung ương nhiều năm qua đã có bước phát triển đáng kể trong lĩnh vực bệnh phổi, phát triển những kỹ thuật bệnh phổi chuyên sâu, cập nhật khoa học công nghệ của thế giới, thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc, nâng cao sức khỏe phổi cho nhân dân. Bệnh viện đang nỗ lực hướng tới phát triển hai nhóm kỹ thuật cao về ghép phổi và y học tái tạo, đây là mũi nhọn công nghệ cao của ngành y tế, nhất là trong giai đoạn phục hồi và phát triển toàn diện sau đại dịch Covid-19.

Hội thảo khoa học “Y học kỹ thuật cao: Ghép phổi và y học tái tạo tại Hoa Kỳ và Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”

Tại buổi làm việc, nhiều chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực ghép phổi, y học tái tạo của Việt Nam và thế giới. Trong đó có GS. Jasleen Kukreja, Giám đốc Chương trình ghép phổi, Đại học California, San Francisco đã chia sẻ về tổng quan tình hình ghép phổi tại Đại học California, San Francisco, Hoa Kỳ; GS. Marek Brzezinski, chuyên gia về kỹ thuật ECMO, Đại học California, San Francisco trình bày về những ứng dụng của ECMO trong phẫu thuật tim phổi, ghép phổi tại Đại học California, San Francisco. Buổi trao đổi góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện nói riêng và nhân viên y tế tại Việt Nam nói chung.

Theo đó, hội thảo là dịp để chia sẻ, cập nhật về y học kỹ thuật cao liên quan đến ghép phổi và y học tái tạo tại Hoa Kỳ và Việt Nam. Các bài chia sẻ, trình bày góp phần cung cấp bức tranh tổng quan về tình hình ghép phổi tại Đại học California, San Francisco cũng như tình hình ghép mô tạng, ghép phổi, phẫu thuật tim hở tại Việt Nam; vai trò của tế bào gốc và tế bào miễn dịch trong điều trị bệnh phổi giai đoạn cuối. Hội thảo cũng cập nhật về ứng dụng của ECMO trong phẫu thuật tim phổi, ghép phổi và triển vọng của ghép phổi, tạo cơ hội nâng cao thời gian và chất lượng sống cho bệnh nhân xơ phổi, bệnh phổi kẽ giai đoạn muộn.

Sau khi nghe những chia sẻ, trao đổi tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị Bệnh viện Phổi Trung ương làm đầu mối, phối hợp với các Vụ/Cục liên quan, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đối tác triển khai hoàn thiện các quy trình kỹ thuật cao về ghép phổi và y học tái tạo, gắn với thanh toán bảo hiểm y tế; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực chuyên môn; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế.

TS.BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương khẳng định, là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành lao và bệnh phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thường quy được hầu hết các kỹ thuật cao cả về nội hô hấp và phẫu thuật lồng ngực. Bệnh viện cũng hoàn thành xuất sắc đề án ghép phổi, mở ra cơ hội sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người bệnh giai đoạn muộn không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Ngoài ra, nhiều thử nghiệm lâm sàng trong và ngoài nước đã chứng minh tế bào gốc và tế bào miễn dịch có tiềm năng rất lớn trong điều trị các bệnh phổi giai đoạn muộn.

Huyền Dung