Nông nghiệp sạch

Trao đổi vấn đề phát triển nông nghiệp Việt Nam với WTO

Thứ sáu, 19/5/2023 | 17:49 GMT+7
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã tiếp và làm việc với Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweal.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, vừa qua, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 về hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững trong bối cảnh mới. Qua đó, cam kết trở thành nhà cung cấp lương thực, thực phẩm trách nhiệm, minh bạch và bền vững.

Để đạt được điều đó, Bộ trưởng cho biết Việt Nam cần hợp tác, đàm phán với các đối tác quốc tế trong các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, trong đó tập trung ở các lĩnh vực quan trọng như mở cửa thị trường, hỗ trợ trong nước và cạnh tranh xuất khẩu, tạo thuận lợi cho thương mại nông sản.

Thời gian qua, Việt Nam đã kết thúc đàm phán một số Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)... Với mức độ cam kết sâu sắc, Việt Nam sẵn sàng thảo luận với các nước thành viên WTO về mọi lĩnh vực trong đàm phán nông nghiệp.

Nhân buổi làm việc với Tổng giám đốc WTO, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự ủng hộ của các thành viên WTO trong việc tiếp tục trao đổi ý kiến về vấn đề này tại các Hội nghị Bộ trưởng WTO trong thời gian tới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweal

Chia sẻ về vấn đề cải cách thương mại nông nghiệp, lãnh đạo ngành nông nghiệp Việt Nam cho biết Chính phủ đang tiếp tục hỗ trợ nhu cầu phát triển của ngành. Bộ NN&PTNT sẵn sàng thảo luận các trụ cột và các vấn đề trong cải cách nông nghiệp liên quan đến an ninh lương thực trong ứng phó biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tăng cường tính minh bạch...

Về phía WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweal ghi nhận những đề xuất, trao đổi của Bộ trưởng Lê Minh Hoan; đồng thời chia sẻ với Bộ trưởng về những cam kết mà những thành viên đến sau của WTO, trong đó có Việt Nam đang phải thực hiện và cho biết sẽ đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự, tạo diễn đàn để các nước cùng trao đổi.

Đại diện WTO cũng ghi nhận vấn đề của Việt Nam về việc tiếp cận thị trường, rào cản thương mại... và bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm phê chuẩn Hiệp định trợ cấp thủy sản. Ở giai đoạn đàm phán thứ 2 thông qua Hiệp định này, WTO mong muốn Việt Nam ủng hộ và cử cán bộ đại diện sang hỗ trợ quá trình đàm phán trong thời gian tới.

Mộc Trà (T/H)