Nông nghiệp sạch

Xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Chủ nhật, 14/5/2023 | 14:27 GMT+7
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB).

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong những năm qua đạt được nhiều kết quả tốt, cơ bản đã kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Đàn gia cầm có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt trên 6,3% trong vòng 5 năm qua, tổng đàn đạt hơn 550 triệu con; bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu và bảo vệ sức khỏe con người.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra rằng, mặc dù kết quả xây dựng chuỗi, vùng ATDB trên đàn gia cầm thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực nhưng nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi thời gian tới là rất lớn; việc xây dựng cơ sở, vùng ATDB vẫn còn nhiều hạn chế; chưa có cơ sở, vùng đạt ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.

Hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, thời gian qua chúng ta đã đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt trên 400 triệu USD. Trong đó, sản phẩm gia cầm, đặc biệt là các sản phẩm gia cầm chế biến chín, xuất khẩu được sang gần 10 quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Nga, Hong Kong (Trung Quốc), Liên minh châu Âu. Phía Hàn Quốc đang đánh giá và dự kiến trong thời gian tới có thể nhập khẩu sản phẩm này.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Văn Long đề xuất cần chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ như: tiếp tục kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, không để xảy ra trên phạm vi diện rộng, nhất là những vùng đã đạt chuẩn ATDB; sau khi đạt tiêu chuẩn của Việt Nam, cần nâng cấp vùng ATDB lên tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới để xuất khẩu. Các doanh nghiệp, địa phương cần đẩy mạnh xây dựng chuỗi, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm gia cầm.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo, các tỉnh, thành phố căn cứ các chương trình, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các văn bản chỉ đạo của Bộ để xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức triển khai. Trong đó, cần đặt mục tiêu về thời gian, chất lượng và yêu cầu kết quả cần đạt được, điển hình như hướng đến năm 2025 đạt ít nhất 4 huyện và đến năm 2030 có 10 huyện đạt ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.

Với mục tiêu trên, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương và doanh nghiệp tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam, quy định của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của các nước nhập khẩu để xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi ATDB hướng đến xuất khẩu.

Quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại. Xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí kinh phí đầu tư để thực hiện được các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho việc duy trì hoạt động thú y nhằm xây dựng, duy trì vùng, chuỗi ATDB. Ưu đãi đối với công tác hỗ trợ xây dựng hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi, các doanh nghiệp đã xây dựng thành công cơ sở chăn nuôi an toàn cần tiếp tục duy trì. Tổ chức đánh giá và lấy mẫu giám sát định kỳ hàng năm, bảo đảm yêu cầu tiến tới công nhận ATDB theo quy định của Việt Nam, theo tiêu chuẩn của quốc tế đối với các cơ sở chăn nuôi hướng đến xuất khẩu.

Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi có nhu cầu xây dựng ATDB, cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn thú y các cấp và các đơn vị liên quan của địa phương để lập kế hoạch và triển khai xây dựng theo quy định.

Lâm Bảo