Nông nghiệp sạch

Ứng dụng công nghệ 5.0 trong phát triển nông nghiệp Việt Nam

Thứ hai, 30/5/2022 | 11:34 GMT+7
Ngày 29/5, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (NIC AU) tổ chức hội thảo về ứng dụng công nghệ 5.0 để đổi mới phát triển bền vững ngành nông nghiệp và chuỗi cung ứng nhằm nâng cao chất lượng, phân phối và giá trị nông sản một cách hiệu quả tuần hoàn.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh nhận định, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã lan tỏa rộng rãi với sự nỗ lực của nhiều quốc gia trong chuyển đổi số dẫn tới sự phát triển nhanh chóng của các thành phố thông minh lấy công nghệ làm trung tâm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu như tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thu hẹp diện tích canh tác, trái đất ấm lên, chênh lệch kinh tế ngày càng gia tăng… thì việc thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các ngành kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng là rất cấp thiết.

Do đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định: “Tôi cho rằng CMCN 5.0 là cơ hội to lớn đối với ngành nông nghiệp khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất và cụ thể ở đây là hàng chục triệu nông dân Việt Nam sẽ được tiếp cận, đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ và năng lực đủ để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị kể cả về kinh tế cũng như xã hội, nâng cao thu nhập. Đây cũng là mục tiêu phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới".

Ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại với tư duy tiến bộ của người sản xuất để phát triển ngành nông nghiệp bền vững

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, để mang đến những tác động tích cực cho cộng đồng, Trung tâm đã kết nối hàng trăm đại diện, các hợp tác xã, các doanh nghiệp để tham dự, lắng nghe và cùng chia sẻ ý kiến với các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam Hà Văn Thắng cho biết, trong khi CMCN 4.0 là sự kết hợp giữa robot, trí thông minh nhân tạo, thiết bị kết nối mạng nhanh và dữ liệu lớn trong một môi trường sản xuất, hoạt động hiệu quả, nhanh chóng của các nhà máy công xưởng phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ thì CMCN 5.0 lại tập trung vào sự hợp tác giữa con người và máy móc, qua đó nâng cao kỹ năng của người công nhân, cung cấp giá trị gia tăng trong sản xuất dẫn đến tùy biến và cá nhân hóa các sản phẩm hàng hóa.

Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá, để hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 hay 5.0 phù hợp nhất với đặc thù ngành nông nghiệp Việt Nam không những cần sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp mà chính các nhà quản lý, các bộ, ngành liên quan cũng nắm vai trò rất quan trọng.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ NN&PTNT cho biết, Vụ sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình mặc định trong thời gian dài, cần có sự thích ứng với sự thay đổi của kế hoạch giai đoạn 1 năm, 3 năm hoặc 5 năm để điều chỉnh chính sách phù hợp. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất như ủng hộ khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo và những đầu tư cho nghiên cứu rủi ro, nghiên cứu thử nghiệm.

Kim Bảo