Ứng phó biến đổi khí hậu vì tương lai bền vững

Thứ tư, 29/5/2024 | 10:30 GMT+7
Ngày 28/5, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức hội thảo chuyên đề “Hướng tới tương lai bền vững: Chiến lược thích ứng tại Việt Nam”.

Hội thảo đề cập đến một số vấn đề trọng tâm trong việc phát triển các nghiên cứu khoa học, công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong bối cảnh hiện nay. Sự kiện có mục tiêu xây dựng một số chiến lược thích ứng tại Việt Nam, đồng thời cung cấp cái nhìn tổng quan các kịch bản BĐKH tại Việt Nam từ đó góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hướng tới phát triển bền vững.

Ảnh minh họa

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Nguyễn Tuấn Quang cho biết, ở Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần chú trọng phát triển, tăng cường một số biện pháp chính như: xây dựng các chính sách về chuyển đổi năng lượng, quy hoạch điện lực, tạo nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch – hydrogen, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, hướng đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, sử dụng tài nguyên kinh tế tuần hoàn; cần chuyển đổi sản xuất trong nông nghiệp, cây trồng, mùa vụ… nhằm làm giảm phát thải và cho ra cây trồng chất lượng cao.

Ngoài ra, cần phải thu hồi, lưu trữ carbon từ các nhà máy, khu công nghiệp, chôn lấp xuống các tầng đất ngầm và các vỉa than đã khai thác để tận dụng carbon cho quá trình sử dụng sau này. Cần định giá carbon cho thị trường carbon - xu thế phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Góp ý tại hội thảo, ông Denis Fourmeau, Tùy viên hợp tác Khoa học và Đại học, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm nước phải chịu tác động tiêu cực nhất từ BĐKH. Do đó, việc thích ứng và chuyển dịch năng lượng là hai ưu tiên hàng đầu. Thông qua những nỗ lực toàn cầu của Việt Nam trong cuộc chiến chống BĐKH, AFD sẽ tích cực hợp tác với các cơ quan của Việt Nam để tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu giảm phát thải, phát triển bền vững trong tương lai. 

Trước mắt, Đại sức Pháp đề nghị các nhà khoa học (các nghiên cứu sinh tiến sĩ, sinh viên đang học thạc sĩ, các khoa trong các trường đại học nơi đào tạo sinh viên, nghiên cứu sinh tiến sĩ và nhà nghiên cứu…) thúc đẩy cho mối quan hệ hợp tác khoa học Pháp - Việt trong tương lai, đặc biệt về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

TS. Nguyễn Tú Anh, Viện Khoa học Tài nguyên nước đề xuất, để ứng phó với BĐKH, hướng tới tương lai bền vững, Chính phủ cần điều chỉnh những chính sách thích ứng phản ánh cả bối cảnh địa phương và nhu cầu của các nhóm dễ bị tổn thương, lồng ghép việc thích ứng vào quy hoạch phát triển ngành và địa phương; thiết lập hệ thống thích ứng phù hợp để thúc đẩy áp dụng tổng thể các biện pháp thích ứng cứng và mềm. Mặt khác, cần tăng cường năng lực và sự hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho tất cả các bên liên quan trong công cuộc ứng phó với BĐKH…

Việt Nga (T/H)