Do dịch Covid-19, Hội nghị IGM-25 do Việt Nam chủ trì đã được các quốc gia thành viên COBSEA thống nhất tổ chức thành 2 phần. Phần thứ nhất được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào tháng 9/2021, phần thứ hai được tổ chức trực tuyến kết hợp trực tiếp trong từ ngày 10 - 14/10 tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện 9 nước thành viên gồm: Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Trong khuôn khổ phiên làm việc, các đại biểu đã nghe báo cáo của Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) về tình hình thực hiện các hoạt động của COBSEA giai đoạn 2021 - 2022; Kế hoạch hành động khu vực của COBSEA về rác thải đại dương; thành lập Nút khu vực biển Đông Á (EAS Regional Node) trong khuôn khổ Quan hệ đối tác toàn cầu về rác thải đại dương; cập nhật về các cuộc đàm phán hướng tới Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa.
Bên cạnh đó, các đại biểu đến từ 9 nước thành viên đã thảo luận, rà soát chính sách quy hoạch không gian biển và vùng bờ; phân tích tình hình các khu bảo tồn biển trên các vùng biển Đông Á; xây dựng khung cho các hệ sinh thái biển và ven biển và Nhóm công tác hệ sinh thái biển và ven biển; cập nhật về các hoạt động toàn cầu bao gồm: Khung đa dạng sinh học toàn cầu, Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu, Hệ sinh thái biển và ven biển của UNEP; theo dõi và rà soát các các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến đại dương; tăng cường khung thể chế của COBSEA...
Các đại biểu tham dự Hội nghị Liên Chính phủ lần thứ 25, phần thứ hai của COBSEA
Tại hội nghị, bà Kerstin Stendhal, Trưởng chi nhánh Hệ sinh thái tổng hợp, UNEP đánh giá, dưới sự tổ chức chu đáo, kỹ lưỡng và điều phối của Việt Nam, hội nghị đã thành công, thu hút được sự quan tâm và đồng lòng của tất cả các quốc gia thành viên trong vấn đề bảo vệ môi trường biển, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đây chính là thời điểm đánh dấu mốc quan trọng cho tình hữu nghị, hợp tác bền vững của các nước trong khu vực biển Đông Á.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Thu Hằng cho biết, hội nghị đã khẳng định được tính tích cực trong thực hiện nghiêm túc các cam kết của mỗi nước nhằm tăng cường công tác chống ô nhiễm trên đất liền và biển, như rác thải đại dương, ô nhiễm phú dưỡng (dư thừa hàm lượng nitơ và phốt pho trên biển); đồng thời, thúc đẩy các hoạt động bảo tồn các hệ sinh thái biển và ven biển.
Hội nghị cũng là dịp để khẳng định lại sự ủng hộ, sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực của Việt Nam vào các sáng kiến khu vực và toàn cầu về rác thải nhựa đại dương, kinh tế biển xanh, quy hoạch không gian biển và ven biển, các khu bảo tồn biển.
Trong khuôn khổ hội nghị, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng chủ trì cuộc họp tham vấn với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế có liên quan về thiết lập công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa nhằm chuẩn bị cho sự tham gia của Việt Nam tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Đàm phán Liên chính phủ tại Uruguay sắp tới.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm nhựa là một thách thức lớn với thế giới nói chung và từng quốc gia nói riêng. Tại Việt Nam, thống kê cho thấy trung bình mỗi năm, nước ta thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.
Trước thực trạng đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số đơn vị đã tiên phong đề xuất sáng kiến Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa nhằm mục tiêu đưa rác thải nhựa vào kinh tế tuần hoàn và quản lý vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam; giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên quy mô toàn quốc.