Hội nghị có sự tham gia trực tiếp của đại diện hơn 100 doanh nghiệp tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam đã tham dự hội nghị và trình bày bài tham luận với chủ đề “Phát triển năng lượng sạch và chủ trương, chính sách của Việt Nam”.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam đã thông tin tới các đại biểu tham gia hội nghị về: xu hướng chuyển dịch năng lượng và đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (NLTT) trên thế giới; tiềm năng và tình hình đầu tư phát triển năng lượng sạch, NLTT tại Việt Nam; chủ trương, chính sách phát triển năng lượng sạch, NLTT và phát triển bền vững của Việt Nam; một số giải pháp thực hiện các mục tiêu năng lượng sạch, NLTT gồm: giải pháp đảm bảo an ninh cấp điện; giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư để phát triển nguồn điện; giải pháp về pháp luật và chính sách; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp về hợp tác quốc tế; giải pháp bảo vệ môi trường.
Quang cảnh hội nghị tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc
TS. Mai Duy Thiện nhận định, giai đoạn đến 2050, hệ thống năng lượng/hệ thống điện Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi cơ bản về cơ cấu nguồn, từ chỗ chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch chuyển sang nguồn năng lượng sạch, NLTT, sử dụng hiệu quả năng lượng. Theo đó, trọng tâm chuyển đổi của hệ thống điện Việt Nam bao gồm: điện sạch sẽ là nguồn năng lượng chính, khai thác tối đa điện từ NLTT.
Với quan điểm phát triển xanh, bền vững, nguồn NLTT trong đó có năng lượng gió, mặt trời trong những thập kỷ tới sẽ là nguồn năng lượng cơ bản của hệ thống năng lượng/hệ thống điện và góp phần trọng yếu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Với quan điểm phát triển xanh, bền vững, nguồn NLTT trong đó có năng lượng gió, mặt trời trong những thập kỷ tới sẽ là nguồn năng lượng cơ bản của hệ thống năng lượng/hệ thống điện và góp phần trọng yếu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đặc biệt, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, hệ thống điện Việt Nam sẽ phát triển theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với các cam kết tại Hội nghị COP26 đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và việc phát triển điện từ gió, mặt trời tiếp tục được khai thác tối đa, hiệu quả với giá hợp lý. Cơ chế đối với các dự án NLTT chuyển tiếp cũng đang được đề xuất xem xét. Theo Quy hoạch điện VIII, hàng chục ngàn MW nhiệt điện than được đề nghị loại khỏi quy hoạch với phương án điều hành, phụ tải cao và chuyển đổi năng lượng, đến năm 2045 tỷ lệ điện gió và điện mặt trời chiếm khoảng 50% tổng công suất toàn hệ thống.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam (ngồi giữa) tham dự hội nghị trực tuyến từ Văn phòng Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam
Theo TS. Mai Duy Thiện, không gian phát triển mới của ngành năng lượng đã mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Trong đó, phát triển năng lượng xanh vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh vừa đảm bảo phát triển bền vững. Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam sẵn sàng tạo cầu nối hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam.