Vi sinh vật có thể phân hủy nhựa

Thứ năm, 16/12/2021 | 21:44 GMT+7
Các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Chalmers ở Thụy Điển phát hiện rằng, số lượng enzym vi sinh vật có thể phân hủy nhựa đang gia tăng trong môi trường và nó tỉ lệ thuận với với mức độ ô nhiễm nhựa. Nói cách khác, các khu vực bị ô nhiễm nhựa nhiều hơn dường như có nhiều vi khuẩn phân hủy nhựa hơn trong đất và nước biển.

Tình trạng ô nhiễm nhựa trên thế giới đang ở mức báo động

Các tác giả nghiên cứu lập luận rằng, điều này cho thấy sự sống của vi sinh vật đang phát triển để đối phó với ô nhiễm nhựa trên quy mô toàn cầu.

Theo các nhà nghiên cứu: “Hiện tại, rất ít thông tin được biết về các enzym phân hủy nhựa này, và chúng tôi không ngờ có thể tìm thấy một số lượng lớn chúng trên nhiều loại vi khuẩn và môi trường sống khác nhau. Đây là một khám phá đáng ngạc nhiên, thực sự minh họa cho quy mô của vấn đề".

Để có những phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về DNA của vi sinh vật trong các mẫu từ 236 địa điểm trên khắp thế giới, đặc biệt tìm kiếm các gen mã hóa các enzym phân hủy nhựa. Tổng cộng, họ đã tìm thấy 30.000 enzym - 12.000 trong hệ vi sinh vật đại dương và 18.000 trong đất - có khả năng phân hủy 10 loại nhựa khác nhau.

Khoảng 8 triệu tấn nhựa tràn vào các đại dương trên thế giới mỗi năm. Việc sản xuất hàng loạt chất dẻo chỉ thực sự bắt đầu vào nửa cuối thế kỷ 20, nhưng vật liệu nhân tạo này đã trở nên phổ biến trong môi trường tự nhiên chỉ trong vài thập kỷ. Từ băng ở Nam Cực đến độ sâu của rãnh Mariana, giờ đây hiếm có một môi trường tự nhiên nào trên Trái đất không bị tổn hại bởi ô nhiễm nhựa. Một trong những điểm hấp dẫn chính của nhựa là khả năng phục hồi của nó, nhưng điều này cũng có nghĩa là nó tồn tại trong môi trường một thời gian dài trước khi bị phân hủy. Ví dụ, một ống hút nhựa có thể mất tới 200 năm để phân hủy.

 

Ý An (Iflscience)