Nông nghiệp sạch

Xây dựng ngành nông nghiệp Thủ đô chất lượng cao, bền vững

Thứ sáu, 30/9/2022 | 11:01 GMT+7
Ngày 29/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để cùng thảo luận về mục tiêu phát triển bền vững nền nông nghiệp Thủ đô trong thời gian tới.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thành phố đã phát triển được 22 vùng sản xuất rau an toàn; 25 vùng canh tác lúa chất lượng cao; 14 vùng trồng cây ăn quả; 10 vùng sản xuất cây cảnh; 5 vùng canh tác chè chất lượng cao.

Hà Nội cũng đã phát triển được 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 3.660 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, cùng 20 vùng nuôi trồng thủy sản an toàn. Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ngày một được chú trọng. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện chiếm khoảng 25% tổng giá trị các ngành hàng.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội hiện còn thấp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới còn hạn chế. Các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, khó tiếp cận; chưa có chính sách đột phá khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Phạm Bảo Dương cho biết, tính đến tháng 6/2022, Học viện đã đào tạo riêng cho Hà Nội 14.173 kỹ sư, cử nhân, bác sĩ thú y; 2.348 thạc sĩ; 24 tiến sĩ. Đây là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế Thủ đô nói chung.

Học viện cũng phối hợp với các Sở, ngành, địa phương của Hà Nội thực hiện nhiều nghiên cứu ứng dụng. Riêng giai đoạn 2011 - 2022, Học viện thực hiện 630 đề tài khoa học công nghệ các cấp trên địa bàn. Nhiều quy trình công nghệ đã được áp dụng rộng rãi và cho thấy hiệu quả tích cực trong nâng cao giá trị cho nông sản Hà Nội.

Tại buổi làm việc, các đại biểu thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã cùng chia sẻ góc nhìn về phát triển nông nghiệp Hà Nội; kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa Hà Nội và Học viện, cũng như thúc đẩy phát triển nông nghiệp phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Trong đó, GS.TS Trần Đức Viên, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nông nghiệp Hà Nội cần tập trung phát triển những cây trồng, vật nuôi đặc sản và cần đầu tư mạnh hơn cho công nghệ, cũng như các công đoạn mang lại giá trị kinh tế cao nhất.

Mặt khác, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Hà Nội nên định hướng loại cây trồng, vật nuôi nào làm được giống thì cố gắng phát triển giống. Sản phẩm nông nghiệp phải tập trung vào chế biến sâu, coi đây là trụ cột trong gia tăng giá trị nông sản. Ngoài ra, Hà Nội hiện có gần 1.700 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thời gian tới nên đẩy mạnh gắn phát triển sản phẩm OCOP với du lịch nông nghiệp, làng nghề.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá, phát triển nông nghiệp Thủ đô thời gian qua dù đã có nhiều kết quả tích cực nhưng chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế; góc nhìn và định hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô chưa rõ. Vì vậy, những gợi mở phát triển đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam có ý nghĩa quan trọng để định hình nông nghiệp Thủ đô trong giai đoạn tới. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội đang nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, lấy ý kiến tham vấn đề xuất Bộ, ngành, Quốc hội điều chỉnh, sửa đổi Luật Thủ đô. Đây là hai cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố có định hướng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa rất nhanh, do đó nông nghiệp Hà Nội cũng cần phát triển khác biệt so với các địa phương khác trên cơ sở vận dụng 3 lợi thế về trí tuệ, khoa học công nghệ và nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, phát triển các mô hình nông nghiệp cũng cần đổi mới hơn theo hướng liên kết.

Do đó, thời gian tới, Hà Nội đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục nghiên cứu xây dựng những mô hình kinh tế nông nghiệp theo các tiểu vùng sinh thái, địa hình. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, thực hiện chuyển giao cho thành phố ứng dụng vào thực tiễn.

Việt Nga (T/H)