Chuẩn bị tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Thứ tư, 24/5/2023 | 15:06 GMT+7
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa theo đề xuất của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp Ban công tác đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Trước tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang diễn ra trên toàn cầu, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ hướng đến việc chấm dứt ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi những tác động bất lợi trong suốt vòng đời của nhựa; giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa, thúc đẩy nền kinh tế nhựa tuần hoàn.

Theo đó, tại buổi làm việc, các quốc gia sẽ tập trung đàm phán về việc loại bỏ dần hoặc giảm cung, cầu sử dụng nhựa polymer nguyên sinh; đối với sản nhựa có vấn đề, có thể cấm và loại bỏ dần từ việc giám sát sản xuất nguyên liệu thô, đưa vào kiểm soát nhập khẩu; cấm, loại bỏ dần hoặc giảm sản xuất, tiêu thụ và sử dụng hóa chất và polymer, với các biện pháp như điều chỉnh thông qua lệnh cấm, loại bỏ dần, giảm bớt hoặc kiểm soát, yêu cầu xuất nhập khẩu; tăng tính minh bạch thông qua theo dõi phân loại và khối lượng, yêu cầu công bố thông tin, đánh dấu và dán nhãn. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bằng cách khuyến khích đổi mới và sản phẩm thay thế (bao gồm hóa học xanh/bền vững và đơn giản hóa hóa học; khuyến khích nghiên cứu và phát triển các chất phụ gia và polymer bền vững).

Việt Nam sẽ tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa 

Về vấn đề vi nhựa, các bên sẽ trao đổi về việc tăng cường quản lý chất thải, thúc đẩy tính tuần hoàn sản phẩm; khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng và sửa chữa sản phẩm nhựa và bao bì; thúc đẩy việc sử dụng các giải pháp thay thế an toàn và bền vững; tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi công bằng, bao gồm quá trình chuyển đổi toàn diện của khu vực chất thải không chính thức.

Khi tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, Ban công tác đàm phán của Việt Nam, trong đó có đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ quản lý và chủ trì đàm phán về cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải (bao gồm chất thải nhựa, chất thải nhựa đại dương); tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải nhựa; quản lý, giảm thiểu, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, chất thải nhựa và chất thải nhựa đại dương; trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa (EPR); nhãn sinh thái đối với túi nilon thân thiện môi trường và các sản phẩm thân thiện với môi trường; đặt cọc hoàn trả để tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; mô hình thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; đào tạo, truyền thông, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về quản lý, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải nhựa; nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất.

Tại cuộc họp Ban công tác đàm phán, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu. Nếu không kịp thời ngăn chặn, nhân loại sẽ chịu nhiều tác động và gánh hậu quả khó lường trong tương lai. Để chuẩn bị cho việc đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, cần phải đánh giá đúng thực trạng rác thải nhựa ở Việt Nam, có đối chiếu so sánh với các nước để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đàm phán. Chủ trương và nội dung tham gia đàm phán phải phù hợp với các quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế. Sau khi thống nhất nội dung đàm phán, cần tính đến việc nội luật hóa các quy định trong Thỏa thuận.

Trong cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành đề nghị, Ban công tác đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa cần rà soát pháp luật trong nước, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, từ đó xác định rõ giới hạn thực hiện của Việt Nam để đưa ra cam kết có tính khả thi cao.

Bảo Ngọc (T/H)