Nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Thứ hai, 22/5/2023 | 09:44 GMT+7
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 535/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (UPSCTT&TKCN) đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Đề án nhằm nâng cao hiểu biết và kỹ năng UPSCTT&TKCN cho cộng đồng; tăng cường tính chuyên nghiệp cho lực lượng chuyên trách và tính chủ động cho lực lượng tại chỗ; từng bước nâng cao hiệu quả UPSCTT&TKCN, giảm thiểu tổn thất về người và vật chất, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh.

Quyết định nêu rõ, đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành 40% nội dung đề án; đến năm 2045 hoàn thành đề án. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 sẽ phổ cập kiến thức, kỹ năng cơ bản về ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai cho cộng đồng phù hợp với điều kiện vùng miền, chú trọng các loại hình sự cố, thiên tai thường xuyên xảy ra; hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, điều hành và ứng phó bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Kiện toàn tổ chức, trang bị, phương tiện chuyên dụng hiện đại và hoàn thiện cơ chế hoạt động của lực lượng chuyên trách phù hợp đặc thù công việc, có trình độ chuyên môn cao, đủ khả năng xử trí tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn cơ bản thường xuyên xảy ra; tăng cường trang bị, phương tiện cho lực lượng tại chỗ để tham gia kịp thời, hiệu quả công tác UPSCTT&TKCN tại cơ sở.

Nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2045

Xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp UPSCTT&TKCN với các nước có chung đường biên giới, các nước có vùng biển liền kề; rà soát, điều chỉnh, xây dựng, ban hành chính sách bảo đảm cho hoạt động UPSCTT&TKCN; chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực UPSCTT&TKCN.

Định hướng đến năm 2045, phấn đấu xây dựng lực lượng chuyên trách có trình độ chuyên môn cao, trang bị phương tiện hiện đại, đủ khả năng xử trí mọi tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong nước và tham gia hoạt động cứu hộ, cứu nạn quốc tế; hoàn thiện cơ chế chính sách xã hội hóa hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Với các mục tiêu trên, đề án đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Bao gồm: xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, quy chế, chính sách trong hoạt động UPSCTT&TKCN; kiện toàn tổ chức, đầu tư trang bị, phương tiện chuyên dụng cho lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ UPSCTT&TKCN; nâng cao năng lực tham gia các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai quốc tế cho 5 đội do Bộ Quốc phòng quản lý; tăng cường năng lực cho các lực lượng tại chỗ; nâng cao năng lực tuyên truyền, dự báo, cảnh báo, theo dõi giám sát sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; hoàn chỉnh hệ thống các kế hoạch; tăng cường đào tạo, huấn luyện, diễn tập; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia.

Đề án cũng thực hiện điều chỉnh, xây dựng, ban hành quy định, chính sách về tổ chức, bảo đảm hoạt động UPSCTT&TKCN; chính sách xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động UPSCTT&TKCN; hoàn thiện quy chế quản lý, cấp phát, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, kiểm tra và thanh lý các loại trang thiết bị, phương tiện, vật tư, hàng hóa đảm bảo cho hoạt động UPSCTT&TKCN.

Xây dựng các trạm phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển đảo, lòng hồ thủy điện lớn và Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn khu vực quần đảo Trường Sa; tăng cường huấn luyện, diễn tập phương án xử lý các tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thường xảy ra trên địa bàn; vận hành cơ chế chỉ huy - điều hành ở các cấp, kết hợp sử dụng trang thiết bị mô phỏng nhằm nâng cao năng lực thực hành xử lý tình huống cho người chỉ huy, cơ quan các cấp cũng như các lực lượng thuộc Bộ, ngành, địa phương...

Linh Giang