Kêu gọi cấm sản phẩm nhựa sử dụng một lần có hại và không cần thiết

Thứ ba, 23/5/2023 | 14:25 GMT+7
Trước thềm các phiên đàm phán quan trọng về hiệp ước ô nhiễm nhựa của Liên Hợp Quốc, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) kêu gọi lệnh cấm toàn cầu đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần “có hại và không cần thiết” chẳng hạn như thuốc lá điện tử, dao kéo và vi nhựa trong mỹ phẩm.

WWF đang kêu gọi các chính phủ hỗ trợ các lệnh cấm trên toàn cầu và loại bỏ dần sản phẩm nhựa sử dụng một lần có “nguy cơ cao nhất và không cần thiết” như dao kéo nhựa, thuốc lá điện tử và vi nhựa trong mỹ phẩm trước các phiên đàm phán về hiệp ước ô nhiễm nhựa của Liên Hợp Quốc diễn ra tại Paris, Pháp từ ngày 29/5 – 2/6/2023.

Các báo cáo do WWF ủy quyền và thực hiện bởi viện Eunomia được công bố đã xác định các nhóm sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất và đề xuất những biện pháp cần thiết trên toàn cầu nhằm loại bỏ, giảm thiểu, quản lý và tuần hoàn an toàn những sản phẩm nhựa này. WWF đang vận động cho các giải pháp này được đưa vào nội dung hiệp ước, dự kiến sẽ được công bố trước vòng đàm phán tiếp theo vào tháng 12/2023.

Nghiên cứu đưa ra các giải pháp để giải quyết những thách thức ô nhiễm nhựa cấp bách nhất theo hiệp ước toàn cầu mới, bằng việc chia các sản phẩm nhựa thành hai nhóm: nhóm có thể giảm hoặc loại bỏ đáng kể trong thời gian ngắn (loại I) và nhóm hiện chưa khả thi để loại bỏ hoặc giảm đáng kể nhưng cần có các biện pháp kiểm soát toàn cầu để thúc đẩy tái chế, quản lý và thải bỏ có trách nhiệm (loại II).

WWF kêu gọi lệnh cấm toàn cầu đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần "có hại và không cần thiết"

Báo cáo này phân loại sản phẩm nhựa thành các danh mục lớn dựa trên rủi ro ô nhiễm mà WWF tin rằng sẽ hỗ trợ hiệu quả các quy định ở cấp độ toàn cầu thay vì tạo ra quy định pháp lý cho những mặt hàng nhựa riêng lẻ vừa phức tạp vừa có thể tạo ra những kẽ hở tiềm ẩn.

Nhận thấy mối quan hệ phức tạp, liên thông và lan tỏa rộng rãi của các sản phẩm nhựa trong đời sống xã hội, báo cáo cũng xem xét mọi hậu quả không mong muốn về môi trường, sức khỏe và xã hội của việc loại bỏ hoặc thay thế một số loại nhựa nhất định.

Ông Marco Lambertini, đại diện của WWF cho biết: “Chúng ta bị mắc kẹt trong một hệ thống mà hiện tại đang sản xuất một lượng nhựa vượt quá khả năng xử lý của bất kỳ quốc gia nào, dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa ảnh hưởng đến môi trường và xã hội. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Theo tốc độ này, đến năm 2040, lượng nhựa sản xuất sẽ tăng gấp đôi, lượng nhựa bị rò rỉ vào đại dương sẽ tăng gấp 3 và tổng lượng ô nhiễm nhựa trong đại dương sẽ tăng gấp 4 lần. Chúng ta không thể cho phép điều này xảy ra.

Ô nhiễm nhựa là một vấn đề toàn cầu, đòi hỏi một giải pháp toàn cầu. Các nhà đàm phán cần chú ý đến hướng dẫn trong báo cáo này và cùng nhau để tạo ra một hiệp ước với các quy tắc toàn cầu ràng buộc toàn diện và cụ thể có thể xoay chuyển cuộc khủng hoảng nhựa”.

Ông Lambertini cho biết thêm: Nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp, từ cấm các vật dụng bằng nhựa như túi nilon, ống hút đến các hạt vi nhựa trong mỹ phẩm hoặc thực phẩm và đồ uống sử dụng một lần. Nhưng chúng ta biết điều này là chưa đủ. Chúng ta cần các cách tiếp cận phối hợp được dẫn dắt bởi các quy tắc thống nhất trên toàn cầu, tạo ra sự khác biệt trên quy mô lớn và một sân chơi bình đẳng cho các quốc gia và doanh nghiệp.

Mặc dù đã có các quy định và giải pháp tự nguyện ở cấp quốc gia nhưng chừng đó là chưa đủ để ngăn chặn nhựa thất thoát ra môi trường ở một điểm và di chuyển tới một điểm khác cách đó hàng trăm thậm chí hàng nghìn km. Nhựa sử dụng một lần, vi nhựa và thiết bị đánh cá bị thất lạc hoặc bị vứt bỏ còn gọi là "ngư cụ ma" hiện đang góp phần lớn vào ô nhiễm nhựa đại dương.

Theo điều phối viên chính sách về nhựa của WWF tại châu Phi Zaynab Sadan, loại bỏ nhựa sử dụng một lần không cần thiết và có rủi ro cao là bước đầu tiên hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn và công bằng hơn. Nhưng hiệp ước phải đảm bảo công nhận và cân nhắc tới những người có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm, chẳng hạn như nhóm lao động thu gom rác thải phi chính thức.

Linh Giang