Văn hóa, du lịch

Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa

Thứ năm, 6/7/2023 | 15:03 GMT+7
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã vừa chủ trì buổi làm việc về tiến độ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, bên cạnh các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường… thì phát triển văn hóa, con người Việt Nam là nội dung được quan tâm hàng đầu. Theo đó, phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, được triển khai qua nhiều chương trình, dự án, kế hoạch, chiến lược cho từng nhóm lĩnh vực chuyên ngành như nghệ thuật, di sản, bảo tồn, sân khấu điện ảnh…

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, về cơ bản, các Bộ, ngành, địa phương thống nhất việc cần thiết xây dựng dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự thảo Chương trình hướng đến xây dựng hệ giá trị về văn hóa, gia đình, con người Việt Nam; tập trung giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; xây dựng có trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực văn hóa được xác định cần thiết phải ưu tiên…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, nội dung quan trọng nhất của Chương trình có liên quan đến 9 nhóm dự án bao gồm: phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật; phát triển công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc

Sau khi lắng nghe báo cáo của lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, khi xây dựng Chương trình cần làm rõ nội hàm, mối quan hệ mật thiết giữa "văn hóa" và "con người", từ đó xác định những nội dung, mục tiêu trọng tâm; chỉ ra những vấn đề, lĩnh vực văn hóa cấp bách cần bảo vệ, bảo tồn, duy trì; xác định những giá trị mới, những gì cần đổi mới để phát triển văn hóa; những bất cập, hạn chế cần khắc phục, đổi mới từ công tác quản lý nhà nước, cơ chế, chính sách đến thực tiễn triển khai.

Lưu ý, Chương trình cần giải quyết mối quan hệ với các chương trình mục tiêu quốc gia khác (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); có khả năng bao trùm, tích hợp các chương trình, kế hoạch, chiến lược trong các lĩnh vực, phân ngành văn hóa trên cơ sở đánh giá những gì làm được, chưa làm được, bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế nhằm thay đổi cơ bản của các ngành, các cấp trong nhận thức, quản lý, thực hiện chấn hưng, phát triển văn hóa và xác định rõ vai trò của Nhà nước, xã hội, người dân; đa dạng nguồn lực đầu tư cho Chương trình từ nguồn vốn đầu tư công, kinh phí hoạt động thường xuyên, nguồn xã hội hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ hoạt động quản lý, quảng bá, truyền thông.

Cần ưu tiên bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo di sản, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đang bị suy giảm, xuống cấp nghiêm trọng, có thể mất đi; xây dựng môi trường văn hóa bao gồm sản phẩm và hoạt động văn hóa, thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa, ứng xử văn hóa, nếp sống văn hóa nơi công cộng, tại cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường...; phát triển các không gian sáng tạo, công nghiệp văn hóa.

Thanh Tâm (T/H)