Khảo sát vấn đề nước sinh hoạt Hà Nội phục vụ sửa đổi Luật Tài nguyên nước

Thứ hai, 5/6/2023 | 16:13 GMT+7
Để phục vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức khảo sát việc khai thác, sản xuất kinh doanh nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, chương trình của đoàn khảo sát gồm làm việc với Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty CP Nước mặt sông Đuống. Đoàn xem xét thực tế quy trình khai thác, sử dụng nước mặt, nước ngầm để sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt; việc bảo vệ nguồn nước trực tiếp khai thác, sử dụng; theo dõi các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình; đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân sử dụng đặt trong xu hướng sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…

Ngoài ra, đoàn khảo sát còn lắng nghe ý kiến, đề xuất của các công ty về giá sản xuất, giá bán nước sinh hoạt hiện nay, chất lượng nguồn nước dưới đất, nguồn nước mặt phục vụ khai thác, sử dụng; xã hội hóa cấp nước sạch; ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, ý kiến đóng góp cho dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và các kiến nghị, đề xuất của các công ty…

Đánh giá việc khai thác, sản xuất kinh doanh nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội

Cụ thể, ông Tạ Kỳ Hưng, Giám đốc Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội đề xuất việc đảm bảo công tác khai thác, sản xuất và kinh doanh nước sạch ổn định, đáp ứng mục tiêu cấp nước an toàn, nhu cầu sử dụng cho người dân trên địa bàn phía Bắc sông Hồng; điều chỉnh chế độ cấp phép khai thác với công suất khai thác tính bình quân theo năm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động khai thác, sản xuất và cấp nước phù hợp với nhu cầu sử dụng, đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân, tránh tình trạng thiếu nước, mất nước trong những ngày nắng nóng, nhu cầu tăng cao.

Đồng thời, cần tăng cường chế tài kiểm tra, giám sát công trình khai thác không đảm bảo làm ô nhiễm nguồn nước, gây nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên nước; nghiên cứu, bổ sung quy định trường hợp xảy ra thiên tai, hạn hán, thiếu nước sinh hoạt. Sớm ban hành các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi cụ thể đối với các doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp để tiết kiệm nguồn tài nguyên nước (sử dụng nước tuần hoàn trong quá trình khai thác, sản xuất nước sạch; quản lý hệ thống cấp nước hiệu quả, giảm tỷ lệ thất thoát nước).

Góp ý về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Giám đốc Công ty CP Nước mặt sông Đuống Đỗ Hoàng Long đề nghị, cần có quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước; cần quy định đầy đủ, rõ ràng quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, điều hòa, phân phối nguồn nước và phân định rõ quản lý nguồn nước, quản lý hoạt động khai thác, sử dụng trong các lưu vực sông. Ngoài ra, cần làm rõ căn cứ, tính đồng bộ quy hoạch tài nguyên nước và quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch thủy điện, quy hoạch cấp, quy hoạch thoát nước trong pháp luật hiện hành, trong nội dung, nguyên tắc lập quy hoạch tài nguyên nước…

Ghi nhận những ý kiến góp ý, đề xuất của các đơn vị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, buổi làm việc cùng khảo sát thực tế đã cung cấp thêm nhiều thông tin phục vụ các đại biểu Quốc hội trong việc cho ý kiến vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Những ý kiến, đề xuất của các công ty sẽ được Ủy ban cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Phương An (T/H)