Đại biểu Quốc hội góp ý xây dựng, sửa đổi Luật Tài nguyên nước

Thứ ba, 6/6/2023 | 16:26 GMT+7
Ngày 5/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên thảo luận với tổ 4 gồm các đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên Huế và Hải Phòng về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí sự cần thiết sửa Luật Tài nguyên nước và cho rằng cần có những quy định cụ thể để đảm bảo an ninh an toàn nguồn nước. Theo đó, các đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về việc làm sao đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước trong khi hơn 60% nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc nghiên cứu quy định về việc sử dụng nước tiết kiệm là rất quan trọng, nên cần coi nước ngầm, nước mặn, nước ngọt, nước lợ, thậm chí nước thải là một nguồn tài nguyên. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý nước mặt - vấn đề chưa được quan tâm đúng mức hiện nay. Từ bài học của thành phố Hà Nội, sử dụng 100% nước sạch được sản xuất từ nước mặt, trong khi không có hệ thống quan trắc để giám sát an toàn nguồn nước, nên khi gặp sự cố ô nhiễm nguồn nước mặt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, an toàn nguồn nước.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này cần điều chỉnh bổ sung quy định quản lý nước mặt; đồng thời cần hoàn thiện bổ sung thêm quy định về vấn đề tưới tiêu tiết kiệm. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên thảo luận về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Về vấn đề quản lý nhà nước về tài nguyên nước, đặc biệt là vấn đề hợp tác quốc tế quản lý tài nguyên nước như tiểu vùng sông Mê Kông, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hiện quy định của pháp luật giao quản lý lĩnh vực tài nguyên nước đang quá phân tán, gây phức tạp trong quản lý. Vì vậy, trong dự án Luật sắp tới, nên quy định rành mạch chức năng nhiệm vụ cho quản lý nhà nước: Chính phủ quản lý chung, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước và trực tiếp quản lý một số lĩnh vực khác.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Chu Hồi, đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng đề xuất, cần thiết phải quy hoạch quản lý lưu vực sông theo vùng và thành lập một ủy ban điều phối lưu vực sông theo cơ chế phối hợp liên ngành.

Đại biểu Lê Hoài Trung, đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý và sử dụng công bằng, bền vững nguồn nước liên quốc gia. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa đề cập đến những vấn đề liên quan đến điều ước quốc tế, hay thỏa thuận quốc tế quy định trách nhiệm của các quốc gia trong bảo vệ nguồn nước liên quốc gia. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung thêm để tương thích với quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, liên quan tới những vấn đề như thông báo trước về sử dụng nước, quy định chất lượng nước và số lượng quốc gia tham gia tổ chức, nhằm có tính chất ràng buộc, trách nhiệm của cơ quan liên quan đến quản lý nguồn nước xuyên quốc gia.

Các đại biểu cũng nhất trí quan điểm sửa đổi Luật Tài nguyên nước cần thiết lập hệ thống hành lang pháp lý cho quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định liên quan đến quản lý nguồn nước, khai thác, sử dụng, cấp nước; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước; đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thống nhất việc phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu; bảo đảm công bằng trong tiếp cận nguồn nước và tiếp cận theo xu thế của quốc tế nhưng phải mang tính đặc thù của Việt Nam. Đồng thời, việc sửa đổi Luật cần theo hướng tích hợp các nội dung liên quan đến tài nguyên nước; giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành quản lý theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được quy định tại các luật có liên quan như thủy lợi, thủy điện, cấp nước, giao thông thủy.

Theo quochoi.vn