Mục tiêu thành lập Trung tâm là thu hút dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản. Đồng thời, hình thành một khu vực đầu mối để tăng cường liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL với mục tiêu “một điểm đến đa dịch vụ”, góp phần hình thành chuỗi sản xuất liên kết; khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với khu vực công nghiệp chế biến.
Cụ thể, Trung tâm thu hút các dự án nghiên cứu, ứng dụng các loại công nghệ để hình thành chuỗi cung ứng gắn kết các nhà sản xuất nguyên liệu, nhà chế biến, thương nhân, các nhà vận chuyển, dịch vụ logistics, nhà phân phối và khách hàng, người tiêu dùng cùng các bên liên quan khác như cơ quan chức năng, dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ.
Hình thành chuỗi cung ứng gắn kết các nhà sản xuất nguyên liệu, nhà chế biến, nhà phân phối và khách hàng
Sau đó, Trung tâm sẽ phát triển thị trường trong nước và quốc tế cho sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL. Phát triển hạ tầng dịch vụ logistics phục vụ nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản, hiệu quả các dịch vụ vận chuyển, tồn trữ, bảo quản, giảm tỷ lệ thất thoát, hư hỏng cho hàng nông sản.
Nâng cao năng lực dịch vụ tư vấn đầu tư, khoa học, kỹ thuật về sản xuất nông, thủy sản; phát triển công nghệ ứng dụng trong chuỗi cung ứng nông nghiệp, hình thành năng lực quản lý mạng cung ứng số, thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực cho các cấp quản trị, điều hành, quản lý, giám sát, kỹ thuật nghiệp vụ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; chú trọng đào tạo chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dự kiến, Trung tâm được xây dựng ở nơi thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa đường thủy, đường bộ và đường hàng không, đặc biệt là vận tải đường thủy vì ở ĐBSCL thường có nhu cầu vận chuyển nông sản với khối lượng lớn bằng đường thủy để giảm chi phí.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu rõ, để xây dựng thành công đề án này, các bên cần xem xét về quy mô, nhu cầu từ phía doanh nghiệp, làm rõ ranh giới giữa tư nhân và nhà nước trong vai trò quản lý, vận hành trung tâm. Bên cạnh đó, phải đảm bảo phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, đáp ứng tư duy theo hướng kinh tế, giảm chế biến thô…
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, vấn đề cần xem xét là khả năng xây dựng khu phi thuế quan trong Trung tâm này. Cụ thể, khi xây dựng đề án cần rà soát kỹ về pháp lý cũng như sự vào cuộc của 13 địa phương ĐBSCL.
Ngoài ra, doanh nghiệp nào đã cam kết tham gia vào Trung tâm sau khi hình thành thì cần lấy ý kiến, đóng góp của họ để xây dựng đề án để đảm bảo tính thực tế.