Mới đây, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 249/KH-UBND về việc thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh Yên Bái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước định kỳ, thường xuyên sẽ giúp duy trì vận hành hệ thống trạm đo mưa, cảnh báo lũ hiện có trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh xây dựng bổ sung, tăng mật độ các trạm đo mưa, đo mực nước, cảnh báo lũ, quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, ưu tiên các khu vực thượng nguồn lưu vực sông Thao, sông Chảy, Ngòi Thia, Ngòi Hút, suối Nậm Kim, khu vực thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét.
Việc điều tra, thống kê tổng lượng nước trữ được sẽ được thực hiện vào cuối mùa lũ đầu mùa cạn hàng năm của các hồ chứa có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên; tổng hợp đánh giá diễn biến lượng nước trữ được của các hồ trên phạm vi từng lưu vực sông theo từng giai đoạn 5 năm, 10 năm; thực hiện việc điều tra, đánh giá, xác định và công bố dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối nội tỉnh thuộc lưu vực sông Thao, sông Chảy; thực hiện việc điều tra, đánh giá, xác định khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước của một số sông, suối, hồ trên địa bàn tỉnh và lập bản đồ phân vùng tiếp nhận nước thải; thực hiện việc điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất, tổng hợp lập danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất để công bố và thực hiện biện pháp khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh điều tra cơ bản tài nguyên nước định kỳ tại Yên Bái
Đối với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù sẽ tập trung điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, chất thải khác vào nguồn nước; đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước dưới đất; đánh giá, cảnh báo, dự báo tác động của biến đổi khí hậu với tài nguyên nước, diễn biến bất thường về số lượng, chất lượng các nguồn nước và các tác hại do nước gây ra.
Từ số liệu thu thập được từ hoạt động điều tra, nhiều phương án triển khai phù hợp sẽ được tỉnh thực hiện để phát triển và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước cho các mục đích liên quan. Cụ thể, xây dựng nội dung mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh được thể hiện trong quy hoạch tỉnh; xây dựng, duy trì, nâng cấp hệ thống theo dõi, giám sát tự động trực tuyến các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải; đảm bảo 80% hồ chứa lớn được kiểm soát, giám sát để duy trì dòng chảy tối thiểu của các lưu vực sông; 50% lưu vực sông Thao, sông Chảy có hệ thống quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến.
Xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của tỉnh tích hợp với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm kê tài nguyên nước quốc gia giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; lập báo cáo sử dụng nước của tỉnh hàng năm, giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2026 - 2030 theo quy định.
Mặt khác, kế hoạch nêu rõ, đối với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước không định kỳ thì sẽ phối hợp với các cơ quan Trung ương thực hiện việc điều tra, tìm kiếm phát hiện nguồn nước dưới đất tỉnh Yên Bái gắn với phục vụ cấp nước sinh hoạt cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn và khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, vùng dân tộc thiểu số khan hiếm nước, thiếu nước sinh hoạt; thực hiện việc đánh giá, xác định, cập nhật định kỳ các đặc trưng cơ bản, lập bản đồ đặc trưng tài nguyên nước mặt; đánh giá diễn biến tài nguyên nước mặt theo từng giai đoạn trên các nguồn nước liên tỉnh chảy qua Yên Bái và các nguồn nước nội tỉnh.
Việc thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh Yên Bái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh và đảm bảo tính khả thi, kế thừa kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước đã thực hiện. Các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Trung ương, lồng ghép tối đa với các lĩnh vực khác có liên quan. Kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước phải phục vụ đắc lực cho công tác quản lý tài nguyên nước gắn với việc khai thác hiệu quả, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước, phòng, chống có hiệu quả tác hại do nước gây ra trong điều kiện biến đổi khí hậu.