Nâng cao kiến thức về chu trình nước, thủy văn và năng lực phát triển nguồn nước

Thứ tư, 24/11/2021 | 16:44 GMT+7
Ngày 24/11, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo Chương trình Thủy văn quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 28.

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Ủy ban quốc gia của Việt Nam về Chương trình Thủy văn quốc tế UNESCO (IHP) nhấn mạnh: Chương trình được thành lập vào năm 1975 với trọng tâm tập trung vào việc nâng cao kiến thức thủy văn thông qua các hỗ trợ về chương trình nghiên cứu khoa học và giáo dục. Thông qua đó, các quốc gia thành viên có thể nâng cao kiến thức về chu trình nước, thủy văn và năng lực phát triển nguồn nước.

Bên cạnh đó, hội nghị năm nay còn kết hợp với hội thảo Phương pháp luận về phân tích thủy văn với kỳ vọng sẽ tiếp tục cung cấp nền tảng và kiến thức để mở rộng hợp tác trong cộng đồng khoa học quốc tế, từ đó giải quyết triệt để hơn nữa những vấn đề về thủy văn, an ninh nước.

Các đại biểu tham gia Hội nghị Ban chỉ đạo Chương trình Thủy văn quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 28 tại đầu cầu Hà Nội

Chủ tịch Ủy ban quốc gia của Việt Nam về IHP nhận định, đảm bảo an ninh nước, nhận thức được giá trị của nước trong bối cảnh biến đối khí hậu và sự gia tăng dân số, đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội là những thách thức cần thiết phải giải quyết. Những thách thức này cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau như nhận thức, năng lực, công nghệ, cơ sở hạ tầng, quản lý, thể chế và chính sách... 

Theo đó, để giải quyết những vấn đề này, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng các nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý của các quốc gia thành viên. Trước hết, GS.TS Trần Thục đề xuất, cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để nâng cao cơ hội phát triển, áp dụng và triển khai các giải pháp, tiếp cận khoa học và công nghệ nhằm góp phần phát triển hiệu quả và bền vững những phương pháp quản lý nước, đảm bảo an ninh nước.

Chủ động tìm kiếm một giải pháp lâu dài về sử dụng, khai thác nguồn nước; hình thành các cơ chế xử lý các vấn đề về an ninh nước, nâng cao nhận thức pháp luật cùng vai trò của các tổ chức xã hội và truyền thông.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ban chỉ đạo Chương trình Thủy văn quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương Zhongbo Yu cho biết: Hội nghị hôm nay là dịp để các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công và thảo luận các vấn đề liên quan đến việc đảm bảo được an ninh nguồn nước nhằm tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực này trong tương lai.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, các đại biểu tham dự hội nghị cũng được nghe các báo cáo về Chương trình Thủy văn của nhiều quốc gia như Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, đồng thời thảo luận về các nội dung liên quan.

Theo thông tin từ ban tổ chức, ngày 25/11, các đại biểu sẽ tiếp tục làm việc và nghe báo cáo về Phương pháp luận phân tích thủy văn (CHA) tập II “Vận hành hồ chứa hướng đến phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai liên quan đến nước, khan hiếm và suy giảm chất lượng nước”, sau đó thảo luận những vấn đề được quan tâm.

Lâm Bảo