ASEAN thống nhất giải quyết các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu

Thứ sáu, 25/8/2023 | 11:32 GMT+7
Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 17 và các hội nghị liên quan đã diễn ra thành công tốt đẹp, mở ra nhiều kết quả quan trọng trong thúc đẩy hợp tác khu vực, giải quyết các vấn đề nổi bật về môi trường và khí hậu.

Cụ thể, các hội nghị đã thống nhất nguyên tắc Tuyên bố chung ASEAN về biến đổi khí hậu tại kỳ họp thứ 28 của Hội nghị các bên tham gia công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC COP28); ghi nhận các sáng kiến của Chủ tịch ASEAN 2023 Indonesia về hành động khí hậu dựa vào cộng đồng ASEAN nhằm chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng năng lực, thúc đẩy và tăng cường sự tham gia của nhiều bên liên quan trong việc thực hiện các hành động khí hậu dựa vào cộng đồng các quốc gia thành viên ASEAN.

Sự kiện cũng bao gồm việc ký kết thỏa thuận thành lập Trung tâm Biến đổi khí hậu ASEAN đặt trụ sở tại Brunei Darussalam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác và phối hợp khu vực về các sáng kiến biến đổi khí hậu giữa các quốc gia thành viên với các Chính phủ, tổ chức khu vực và quốc tế có liên quan; đưa ra khuyến nghị chính sách về giải quyết biến đổi khí hậu.

Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 17 cùng các hội nghị liên quan đã đạt nhiều thỏa thuận về việc giải quyết các vấn đề nổi bật về môi trường và khí hậu ở khu vực ASEAN

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đánh giá cao việc Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tiếp tục cam kết hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN thúc đẩy hợp tác và phối hợp về đa dạng sinh học. Hội nghị đã thông qua việc chỉ định khu bảo tồn động vật hoang dã Phu Khieo (vườn quốc gia Nam Nao của Thái Lan) và công viên quốc gia Phu Kradueng (Thái Lan) lần lượt là công viên di sản ASEAN thứ 56 và 57; thông qua kế hoạch hành động ASEAN về quản lý các loài ngoại lai xâm hại nhằm giải quyết một trong những mối đe dọa lớn về mất tự nhiên và đa dạng sinh học trong khu vực; thông qua danh sách các trường học nhận Giải thưởng Trường học sinh thái ASEAN lần thứ 4 và Giải thưởng Nhà vô địch sinh thái trẻ ASEAN lần thứ 2, qua đây biểu dương những thành tích và khuyến khích các trường học học hỏi từ những thực tiễn tốt nhất và áp dụng vào thực hành tạo nên một môi trường bền vững hơn.

Về vấn đề các Thành phố bền vững ASEAN ở Indonesia, đại diện các nước ASEAN đã cùng chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi về quá trình phát triển thành phố bền vững, nâng cao kiến thức và hiểu biết các mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài ra, hội nghị tái khẳng định cam kết thực hiện kế hoạch hành động khu vực ASEAN về chống rác thải đại dương của các quốc gia thành viên; tiếp tục hoan nghênh tiến độ thực hiện các dự án và sáng kiến liên quan đến rác thải biển, bao gồm cả việc tổ chức thành công Hội thảo ASEAN - New Zealand về rác thải nhựa trên biển và sắp tới là Hội nghị ASEAN về chống ô nhiễm nhựa do Indonesia đăng cai tổ chức. Giới thiệu báo cáo hiện trạng môi trường ASEAN lần thứ 6 (SOER6), trong đó cung cấp thông tin về hiện trạng và xu hướng môi trường trong khu vực, cung cấp thông tin cho các quyết định quản lý môi trường góp phần vào các nỗ lực phát triển bền vững của khu vực.

Hội nghị ghi nhận việc tiếp tục đối thoại giữa ASEAN và các đối tác về môi trường, biến đổi khí hậu bao gồm Đối thoại ASEAN - Nhật Bản về hợp tác môi trường, Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc về môi trường và biến đổi khí hậu, Đối thoại cấp cao ASEAN - EU về môi trường và biến đổi khí hậu, Đối thoại cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ về cam kết môi trường và biến đổi khí hậu, Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN+3 về môi trường. Trong đó, các Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3, Đối thoại Bộ trưởng ASEAN - Nhật Bản về hợp tác môi trường, Đối thoại ASEAN - Hoa Kỳ về môi trường và khí hậu đã đánh giá và thảo luận các hoạt động hợp tác chiến lược sắp tới về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, giáo dục môi trường, khoa học và công nghệ môi trường, các thành phố bền vững với môi trường, rác thải nhựa biển cùng nhiều vấn đề khác...

Huyền Dung (T/H)