Tìm giải pháp làm “sống lại” 4 con sông ở nội đô Hà Nội

Thứ tư, 23/8/2023 | 11:20 GMT+7
Ngày 22/8, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức tọa đàm “Làm “sống lại” 4 con sông nội đô: Tô Lịch – Kim Ngưu – Lừ – Sét”.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết, việc phục hồi lại chất lượng nước, môi trường và cảnh quan 4 con sông nội đô thuộc khu vực trung tâm thành phố Hà Nội là một trong những nhiệm vụ của Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 về xử lý vấn đề môi trường.

Công tác cải thiện chất lượng nước sông, đặc biệt là các quận nội đô của Thủ đô đã được thành phố quan tâm, chỉ đạo. Một số dự án đã, đang được thực hiện để góp phần cải thiện ô nhiễm các con sông này, trong đó có Đề án: “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng năm 2022.

Tọa đàm “Làm “sống lại” 4 con sông nội đô: Tô Lịch – Kim Ngưu – Lừ – Sét"

Tại tọa đàm, PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, chủ trì tư vấn lập Đề án đã trình bày dự thảo Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tầm nhìn đến 2030”.

Đề án kiến nghị cần có cách tiếp cận tổng hợp và đồng bộ trên các lĩnh vực: điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom, xử lý nước thải của thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt 4 con sông. Đồng thời đề xuất giải pháp cải tạo chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan dọc sông nhằm phục hồi vai trò của hệ thống sông gắn với các giá trị sinh thái, lịch sử, văn hóa và con người, phù hợp và đóng góp cho sự phát triển xanh, bền vững của Thủ đô Hà Nội.

Đề án đã đưa ra những giải pháp thực hiện từ cơ chế, chính sách đến khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, giải pháp tài chính và nhiều giải pháp hỗ trợ trong tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Các nhà quản lý, nhà khoa học tham gia tọa đàm đã đưa ra nhiều góp ý cho dự thảo Đề án. PGS.TS.Nguyễn Hồng Tiến, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, bảo vệ môi trường Hà Nội đánh giá phương pháp nghiên cứu của Đề án rất khoa học, điều tra khảo sát công phu, có tính khả thi cao. Bên cạnh đó, ông đề xuất cần làm rõ các vấn đề như: làm gì để huy động các nguồn lực; làm rõ tính khả thi của việc bổ cập nước cho sông Sét và sông Lừ từ sông Tô Lịch; công nghệ mới nào để lọc nước thải... Đặc biệt, ngoài yếu tố hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường cần phân tích thêm yếu tố nguy cơ và rủi ro khi thực hiện Đề án.

Thanh Trúc