Bản tin môi trường số 31/2023

Thứ hai, 21/8/2023 | 11:03 GMT+7
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh đã làm việc với Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi về các lĩnh vực liên quan đến cam kết tại Hội nghị COP26, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quản lý rác thải nhựa đại dương và kinh tế tuần hoàn.

Trao đổi hợp tác các vấn đề môi trường với UNDP

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh bày tỏ mong muốn, hai bên sẽ thúc đẩy việc chia sẻ thông tin về các lĩnh vực và hoạt động cùng quan tâm, nhất là trong triển khai các kết quả của COP26 và lĩnh vực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quản lý rác thải nhựa đại dương, kinh tế tuần hoàn phù hợp với tình hình thực tiễn mới.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trao đổi với Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng trao đổi về sự hợp tác và hỗ trợ kinh nghiệm quốc tế của UNDP cho Việt Nam về hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; xây dựng quy hoạch không gian biển; phát triển kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa những cơ chế, thỏa thuận về thị trường carbon, tín chỉ carbon… cũng như việc giảm phát thải khí nhà kính, khí metan nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay…

Sau khi lắng nghe đề xuất của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, bà Ramla Khalidi cho biết, UNDP luôn đề cao tính chủ động của mỗi quốc gia trong việc phát triển bền vững, đồng thời khẳng định cam kết hỗ trợ của UNDP dành cho Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT nói riêng trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quản lý rác thải nhựa đại dương, phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thời gian tới, UNDP mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp tốt hơn nữa trong những hướng dẫn kỹ thuật, chính sách để hoàn thành được các chương trình, dự án; đồng thời có những giải pháp hỗ trợ về chính sách, kinh nghiệm, huy động nguồn lực để chuyển giao tới Bộ TN&MT.

Thêm yếu tố bảo vệ nước mặt vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về quan trắc và bảo vệ nước mặt trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét bổ sung điều mang tính nguyên tắc về bảo vệ nước mặt. Bên cạnh đó, cần chú trọng để việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm tuần hoàn nước nhưng vẫn phải bảo đảm tổng thể hiệu quả về kinh tế - xã hội; cần bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý, hậu kiểm để người dân có thể tham gia vào công tác quản lý tài nguyên nước.

Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Báo cáo một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước bao gồm 4 nhóm chính sách lớn: bảo đảm an ninh tài nguyên nước; xã hội hóa ngành nước; bảo vệ nguồn nước khỏi ô nhiễm, cạn kiệt; phòng, chống tác hại do nước gây ra nhằm quản lý toàn diện các vấn đề liên quan đến nước.

Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 58 quy định về tuần hoàn và tái sử dụng nước thải ở 3 mức độ: khuyến khích áp dụng; có lộ trình áp dụng và bắt buộc áp dụng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó, bổ sung chính sách ưu đãi, khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; ưu đãi với dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thực hiện giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 58.

Tỉnh Bình Định tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học

Theo Kế hoạch số 141/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 1623/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Bình Định hướng đến mục tiêu thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn hệ sinh thái, hệ động vật, thực vật, nguồn gene...

Phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đa dạng sinh học

Cụ thể, về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thực hiện tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học, tỉnh Bình Định sẽ nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học; hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học; tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học; mở rộng hợp tác trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.

Theo đó, tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn 2023 – 2025 có trách nhiệm chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hướng dẫn về danh mục, chế độ quản lý các loài hoang dã theo các cấp độ bảo vệ, quản lý...

Thanh Bảo