Xây dựng năng lực quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ Việt Nam

Chủ nhật, 30/7/2023 | 00:45 GMT+7
Mới đây, dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam (VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do WWF Việt Nam thực hiện đã hoàn thành đánh giá thể chế toàn diện nhằm xây dựng năng lực quản lý cho các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trong khu vực dự án.

Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do WWF phối hợp với Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đối tác khác thực hiện nhằm mục tiêu duy trì và tăng cường chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, bảo vệ, duy trì ổn định các loài động vật hoang dã ở những tỉnh có giá trị bảo tồn cao gồm: Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Lâm Đồng, vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng, Đồng Nai).

Hợp phần đã tiến hành đánh giá năng lực của 18 khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trong vùng dự án, tập trung vào chức năng và cấu trúc nhân sự của ban quản lý. Một khung đánh giá dựa trên năng lực đã được áp dụng nhằm đánh giá những kỹ năng và kiến thức yêu cầu cho mỗi vị trí công việc.

Kết quả cho thấy hầu hết nhân viên có chuyên môn trong các lĩnh vực truyền thống như lâm nghiệp, quản lý tài nguyên rừng, kế toán và tài chính. Tuy nhiên, các kỹ năng và kiến thức về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là quản lý động vật hoang dã và giám sát đa dạng sinh học, phát triển và quản lý du lịch sinh thái, tài chính bền vững, kỹ năng lập kế hoạch, làm việc với các nhà đầu tư vẫn còn hạn chế.

Tại hội nghị đánh giá, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế thể hiện sự nhất trí và đánh giá cao những kết quả của báo cáo. Theo ông, dự án cần phải sử dụng kết quả đánh giá một cách hiệu quả để biến những kết quả đó thành hành động thực tế. Kết quả đánh giá cần được chia sẻ với Cục Kiểm lâm, Sở Nội vụ các tỉnh và các bên liên quan để cùng giải quyết các vấn đề như trong phát hiện của đánh giá.

Toàn cảnh hội thảo

Bên cạnh đó, kết quả tổng hợp cho thấy các nhóm đối tượng (Ban giám đốc, lãnh đạo phòng, nhân viên) đều có nhu cầu đào tạo về cơ bản lẫn nâng cao. Các khóa tập huấn cần tập trung vào nâng cao kiến thức chuyên môn, chính sách và pháp luật có liên quan, nâng cao phương pháp và kỹ năng về quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, cứu hộ động vật hoang dã, du lịch sinh thái.

Để tổ chức được các lớp tập huấn, các đại biểu tham gia đã cùng đưa ra những đề xuất, dựa vào tình hình thực tế của địa phương cũng như đối tượng được tập huấn. Các phương thức tập huấn được đề xuất gồm: tổ chức riêng cho từng Ban quản lý rừng ở mỗi tỉnh; tổ chức theo nhóm Ban quản lý rừng ở mỗi tỉnh hay chung cho các tỉnh vùng dự án; kết hợp lý thuyết và thực hành trên hiện trường; tập huấn bằng hình thức trực tuyến; áp dụng nguyên tắc học tập của người lớn (Adult Learning) và phương pháp lấy người học làm trung tâm (LCTM)...

Tại hội thảo, các cán bộ dự án VFBC còn chia sẻ các kinh nghiệm thực hiện dự án do USAID tài trợ từ quy trình thiết kế hình thành dự án, các loại hình dự án phù hợp, cơ chế tài chính, quy trình và cơ chế phối hợp trong quá trình thực hiện dự án. 

Bảo Ngọc