Văn hóa, du lịch

An Giang: Phát triển du lịch sinh thái, ở rừng tràm Trà Sư

Thứ hai, 22/11/2021 | 15:16 GMT+7
Để phát huy tiềm năng du lịch nơi đây, UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Quyết định 2674/QĐ-UBND, ngày 12-11-2021 phê duyệt Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, giai đoạn 2021 - 2030”.

Với vẻ đẹp hoang dã, rừng tràm Trà Sư luôn có sức hút lớn đối với khách du lịch khi đến với An Giang

Theo đó, khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư có các tài nguyên du lịch sinh thái tiêu biểu, như: Cảnh quan thiên nhiên của hệ sinh thái đất ngập nước; sinh cảnh rừng tràm ngập nước; sinh cảnh kênh, mương và các loài thực vật sen, súng, bèo; sinh cảnh đồng cỏ, đầm lầy ngập nước theo mùa; các loài chim nước, thủy sản và động vật hoang dã vùng đất ngập nước.

Tại đây có các loại hình du lịch sinh thái, gồm: Tham quan các sinh cảnh và tài nguyên đất ngập nước; giải trí, thư giãn trong môi trường rừng đẹp, yên bình, trong lành; khám phá các đặc trưng tiêu biểu của tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu khoa học về rừng tràm và đất ngập nước; trải nghiệm các phong tục, tập quán, nét văn hóa trong sinh hoạt, ẩm thực của cộng đồng địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tập trung vào việc đầu tư các sản phẩm du lịch nhằm tạo ra phong cách và thương hiệu mang đẳng cấp cao, vừa thể hiện ở tính hiện đại trong kiến trúc xây dựng, vừa thể hiện ý thức tôn trọng và bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ rừng, hệ sinh thái và môi trường của nhà đầu tư và khách du lịch; mang đậm bản sắc văn hóa bản địa nhằm thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế và góp phần duy trì thương hiệu du lịch Trà Sư một cách lâu dài, bền vững…

Đặc biệt, không đánh đổi hệ sinh thái rừng tràm, đất ngập nước và tài nguyên thiên nhiên lấy giá trị kinh tế. Khi triển khai thực hiện đề án phải duy trì được nét hoang sơ, mang đậm tính “thiên nhiên” của khu rừng ngập nước. Đồng thời, xây dựng các công trình hạ tầng du lịch nhưng thiết kế kiến trúc phải mang tính hiện đại, kiểu dáng công trình phải phù hợp và làm tôn vinh cảnh quan thiên nhiên của một khu đất ngập nước vùng rừng tràm ngập phèn, với chức năng của khu rừng đặc dụng là một khu bảo vệ cảnh quan rừng. Du lịch sinh thái phải trở thành động lực để thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư, gắn với phát triển các làng nghề truyền thống, tạo sinh kế và thu nhập cho cộng đồng. Từng bước nâng cấp sản phẩm du lịch sinh thái tại rừng tràm Trà Sư tiếp cận với đẳng cấp quốc gia, quốc tế và đóng góp cho kinh tế của địa phương…

rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng tây sông Hậu; là nơi sinh sống của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Với diện tích 845ha, rừng tràm Trà Sư mang đặc tính rất riêng của hệ sinh thái đất ngập nước. Khi đến đây, du khách không chỉ bị cuốn hút bởi không gian thiên nhiên với rừng tràm rợp bóng, mà còn được tận mắt thấy hàng loạt loài chim nước, động vật hoang dã quý hiếm. Rừng tràm Trà Sư như trở thành “ngôi nhà chung” - khu bảo tồn của rất nhiều lớp sinh vật nhiệt đới đang sinh sống ở vùng đất Tây Nam Bộ này.

PV