An Giang tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa

Thứ năm, 30/9/2021 | 11:17 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh An Giang đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa nhằm giảm thiểu, hạn chế sử dụng rác thải nhựa theo lời kêu gọi cả nước hành động chống rác thải nhựa của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước đó, UBND tỉnh An Giang đã có nhiều kế hoạch, văn bản để quản lý, hạn chế sử dụng và giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh và bước đầu đạt được một số kết quả khả quan.

Cụ thể, hầu hết các Sở, ban, ngành, cơ quan, địa phương đã thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy (trong hội họp và hoạt động hàng ngày) bằng sản phẩm dễ phân hủy, phân hủy sinh học và có thể tái chế. Các ngành chức năng cũng lồng ghép phong trào “Chống rác thải nhựa” vào phong trào, chuỗi hoạt động tập thể. Một số doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn từng bước thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy bằng sản phẩm thân thiện với môi trường, tích cực hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”...

Trong thời gian tới, tỉnh An Giang phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại trung tâm thương mại, siêu thị; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên sông, kênh, rạch... Phấn đấu 100% khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

An Giang thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần bằng bình thủy tinh trong các cơ quan, hội họp

Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tỉnh yêu cầu các ngành chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa phù hợp với quy định hiện hành và điều kiện thực tế của địa phương; hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý, hương ước, quy ước nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nhựa và bảo vệ môi trường; quy định giảm thiểu sử dụng bao bì bằng chất liệu nhựa đối với dịch vụ giao hàng đồ ăn nhanh; thúc đẩy sử dụng vỏ hộp, bao bì bằng chất liệu tái sử dụng, thân thiện với môi trường.

Các ngành chức năng phải có giải pháp hạn chế việc đầu tư mới cơ sở sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy phục vụ cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn quản lý. Đồng thời, thực hiện chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải nhựa và các dự án sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường. Các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, lộ trình hạn chế và tiến tới không sử dụng túi nilon khó phân hủy tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh; thực hiện đồng bộ giải pháp phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa cho đô thị và khu dân cư nông thôn; mở rộng phạm vi thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý; tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trôi nổi tại dòng sông, suối, kênh, rạch, bến phà, khu đất ngập nước…

Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu bố trí kinh phí để hỗ trợ cho việc thu gom, xử lý chất thải nhựa; xây dựng và triển khai mô hình hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy phù hợp với đặc thù của địa phương; rà soát, thống kê để tăng cường quản lý đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, thúc đẩy việc sử dụng túi nilon phân hủy sinh học và sản phẩm thân thiện môi trường trên địa bàn quản lý. Bên cạnh đó, huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại địa phương; hướng dẫn và tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa tại nguồn cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Mặt khác, toàn tỉnh cũng tập trung tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng, thải bỏ chất thải nhựa; khuyến khích người tiêu dùng mang túi, bao, gói khi mua sắm; khen thưởng kịp thời cá nhân, tổ chức có thành tích tốt trong phong trào chống rác thải nhựa hoặc sáng kiến có giá trị về quản lý rác thải nhựa. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa; giám sát và xử lý trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích cung cấp túi nilon cho khách hàng. Tăng cường biện pháp về thuế bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy trên địa bàn.

Phương An (T/H)