Môi trường (old)

Bản tin môi trường Số 1/2019

Thứ hai, 28/10/2019 | 09:52 GMT+7
Nước sông Đà đã có thể sử dụng được để ăn uống, sinh hoạt; kiểm tra khí thải ô tô tại các thành phố lớn; cử tri yêu cầu di dời cơ sở gây ô nhiễm, có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường… là những tin tức môi trường nổi bật trong tuần vừa qua.

\

Nước sông Đà đã có thể sử dụng ăn uống, sinh hoạt. (Ảnh: VOV)

Nước sông Đà đã có thể sử dụng để ăn uống, sinh hoạt

Chiều 22/10, chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Vũ Đăng Định cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu nước từ ngày 16/10 đến ngày 21/10, các chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Đến nay, nguồn nước sạch sông Đà đã an toàn để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống.

Sáng 25/10, Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà đã phát đi thông cáo gửi lời xin lỗi người dân và xin miễn tiền nước 1 tháng để khắc phục sự cố nước sạch bốc mùi tại Hà Nội thời gian qua.

Nhanh chóng di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô

Báo cáo trước Quốc hội sáng 21/10 về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM gây nguy hại đến sức khỏe nhân dân.

Cử tri đề nghị khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm thành phố; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường. Và phải thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để nhân dân chủ động phòng tránh.

Ô tô không đủ điều kiện khí thải phải tiến hành các giải pháp khắc phục

Kiểm tra ký thải đối với xe ô tô

Từ 24/10 đến 31/10, Thanh tra Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra đột xuất khí thải và công tác bảo dưỡng phương tiện đối với xe khách, xe buýt.

Các điểm mà đoàn tiến hành kiểm tra là các bến xe: Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa và các trục đường cửa ngõ Thủ đô như: đường Phạm Văn Đồng, đường dẫn Cầu Thanh Trì…và các trục đường cửa ngõ Thủ đô. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện khí thải xe có thành phần ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép, lực lượng Thanh tra sẽ lập biên bản, yêu cầu chủ xe khắc phục.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh lập kế hoạch, tổ chức các đợt kiểm tra khí thải lưu động với xe ôtô còn hạn đăng kiểm để nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc bảo dưỡng, sửa chữa và duy trì mức phát thải giữa hai kỳ kiểm định.

Hà Nội từ tháng 11 hạn chế 80% rác thải nhựa

Theo Kế hoạch số 232/KH-UBND về “Phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Hà Nội phấn đấu 100% đơn vị, cơ quan, tổ chức và đoàn thể trực thuộc UBND thành phố không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Bắt đầu từ tháng 11/2019, hạn chế 80% sản phẩm nhựa khó phân hủy.

Bên cạnh hạn chế sản phẩm nhựa khó phân hủy, thay đổi thói quen, giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Từ năm 2020, không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt cộng đồng dân cư, sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Phấn đấu đến 31/12/2020, hạn chế tối đa cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa.

PV